Theo báo cáo: “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG (E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp - PV) tại Việt Nam” do PwC công bố ngày 26/10, có 80% doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong vòng 2-4 năm tới.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu hành trình ESG và đang tồn tại một khoảng cách lớn từ kỳ vọng tới hành động. Trong khi 57% các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã xây dựng các cam kết rõ ràng về ESG thì 58% các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam lại đang tiếp cận theo hướng “quan sát và chờ đợi”. Lý do là hầu hết các doanh nghiệp trên đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kiến thức về ESG.
Tại Hội thảo Phát triển bền vững 2022 chủ đề: “ESG – Chìa khóa cho Phát triển bền vững 2022” do báo Đầu tư mới tổ chức, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Nhân sự, Truyền thông và Đối ngoại, AEON Việt Nam cho biết, AEON tập trung vào 2 nhiệm vụ chính: Xây dựng hệ thống phân phối bền vững và Thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Cụ thể, AEON Việt Nam tìm kiếm và phối hợp cùng các nhà cung cấp để nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới của nhãn hàng riêng AEON theo các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, từ đó gia tăng tỷ lệ nhóm sản phẩm này trong hệ thống.
Theo kế hoạch, tới năm 2025, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh các sản phẩm này tại hệ thống kinh doanh, giới thiệu tới người tiêu dùng Việt thêm nhiều sản phẩm chất lượng.
AEON Việt Nam còn triển khai hàng năm các hoạt động kết nối, đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Việt đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm địa phương tới người tiêu dùng và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, hỗ trợ nhà cung cấp hướng đến mục tiêu đạt chuẩn xuất khẩu sang thị trường quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, thông qua hệ thống bán lẻ của AEON. Tính đến năm 2022, tỷ lệ hàng hóa nội địa trong hệ thống bán lẻ của AEON Việt Nam đạt 80%.
AEON cũng cam kết đồng hành cùng khách hàng trong hành trình hướng đến tiêu dùng bền vững thông qua nhiều chiến dịch và sáng kiến nổi bật như: sử dụng 100% túi ni-lông phân hủy sinh học, “Cho thuê túi môi trường – Rent a bag”, ngừng bán các sản phẩm nhựa dùng một lần…
Ông Bùi Trung Kiên, Phó chủ tịch CTCP Đầu tư CME Solar cho biết, việc áp dụng ESG đã mang lại những kết quả cụ thể, tích cực, cụ thể và lâu dài trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, ESG giúp kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh liên quan đến yếu tố môi trường, góp phần bảo vệ môi trường.
Thứ hai, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí: Việc áp dụng ESG sẽ đòi hỏi các chi phí đầu tư ban đầu cho thay đổi quy trình, thói quen vận hành doanh nghiệp. Đây thường là cản trở ban đầu khi lãnh đạo DN cân nhắc, đưa ESG vào áp dụng. Tuy nhiên nếu so sánh thì lợi ích ESG mang lại là rất lớn, trong nhiều trường hợp là lợi ích lâu dài, có tính chất quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ ba, hỗ trợ thu hút nguồn vốn đầu tư bền vững: ESG ngày nay đã trở thành yếu tố đánh giá quan trọng của các quỹ, các tổ chức đầu tư trên thế giới khi xem xét đầu tư, đặc biệt là các tổ chức đầu tư bền vững.
Thứ tư, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp: Ngay cả đối với tài trợ vốn vay; việc áp dụng ESG cũng dần trở thành tiêu chí phổ biến, đặc biệt đối với nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính phát triển bền vững, vay nước ngoài.
Thứ năm, giúp gia tăng khả năng tiếp cận thị trường: Việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty không chỉ yêu cầu bởi các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính và đã trở thành yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ…