Sẽ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 65
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ tháng 1/2023 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, cơ quan này đã triển khai xong quy trình đánh giá tác động, xin ý kiến của các bộ ngành, các chuyên gia và tổ chức quốc tế liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Chinhphu.vnThứ trưởng Bộ Tài chính kỳ vọng, Chính phủ sẽ sớm thông qua những nội dung Nghị định mới để các quy định thích ứng với tình hình thực tế, từ đó củng cố niềm tin của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát hành. Đồng thời, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thông tin thêm về Nghị đinh 65, ông Chi cho biết: “Chúng tôi đã tổng hợp và cũng đã xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy trình, quy định và đến hiện nay đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 để trình Chính phủ”.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Chi cho hay, "Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ trong đầu tuần tới" (6-10/2/2023).
Trước đó, vào tháng 12/2022, Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ được lùi lại 1 năm, chuyển từ ngày 1/1/2023 sang ngày 1/1/2024.
Bộ này cũng đề nghị cho phép thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, thực hiện từ ngày 1/1/2024 thay vì từ ngày 1/1/2023 .
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề xuất cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.
Hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản phát hành thuộc nhóm chưa niêm yết
Mới đây, FiinRatings đơn vị chuyên cung cấp thông tin về tài chính vừa công bố báo cáo "Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023". Theo đó, đơn vị này nhận định, trên thực tế, hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất báo động và đặc biệt là thiếu minh bạch.
Đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết ước tính có thể còn cao hơn và rủi ro hơn nữa", báo cáo nêu.
FiinRatings nhận định, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải duy trì đủ dòng tiền cho các dự án (thường kéo dài 3-5 năm, tùy thuộc quy mô) do đặc thù thâm dụng vốn, nhưng dòng tiền suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này.
Trong 2 năm tới, gánh nặng đáo hạn của ngành bất động sản sẽ lên tới 230.860 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường. Trong khi đó, phần lớn các trái phiếu trên được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn.
"Các doanh nghiệp sẽ buộc phải dựa vào dòng tiền hiện có hoặc tiếp cận các nguồn vay bên ngoài rủi ro hơn. Do thiếu vốn triển khai dự án trong khi doanh số sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã tính đến các phương án tái cơ cấu nợ như: Gia hạn nợ, chuyển đổi gói vay với lãi suất mới; mua lại trái phiếu; trả nợ trái phiếu bằng bất động sản", báo cáo nêu.
Theo nhận định, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 cho phép gia hạn nợ được thông qua.
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết năm 2022, tổng nợ vay bất động sản hơn 1,2 triệu tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp bất động sản khoảng 800.000 tỷ đồng, nợ trái phiếu khoảng 419.000 tỷ đồng.
Ngoài khoản nợ vay các ngân hàng xấp xỉ 800.000 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để vay nợ thêm 419.000 tỷ đồng.