Chiều ngày 28/11, báo Đầu tư đã phối hợp cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Hiệp hội Content NFT Hàn Quốc (KONCA) và Công ty TNHH Tin tức NBN (NBN) tổ chức chương trình “Kết nối đầu tư công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc”.
Trong khuôn khổ của chương trình Kết nối đầu tư công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc còn có phiên thảo luận mở về chủ đề “Bối cảnh pháp lý Việt Nam vào công nghệ Blockchain cho các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư”.
Tại phiên thảo luận này, các diễn giả đã đưa ra ý kiến chuyên sâu về bối cảnh pháp lý về blockchain tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, lời khuyên hữu ích cho các công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm và có ý định đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới tại Việt Nam.
Ông Hoàng Văn Huây - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, kể từ khi chính thức ra mắt công chúng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã triển khai một loạt công việc hướng tới ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ Blockchain vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó có vấn đề hỗ trợ cũng như khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này.
Tuy nhiên, blockchain vẫn là công nghệ mới tại Việt Nam nên Hiệp hội cũng đang chủ trương kế hoạch phổ cập kiến thức này tới các doanh nghiệp và người dân. Hiệp hội sẽ bàn với các cơ quan lập pháp của Quốc hội để xây dựng quy định về pháp lý đối với blockchain ở Việt Nam. Đây là một cách để hỗ trợ và giúp đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm hoạt động ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh của mình.
“Chúng ta có thuận lợi nhờ học hỏi một số kinh nghiệm từ quá trình hợp tác phát triển với các quốc gia, chẳng hạn như Hàn Quốc. Mặc dù Hàn Quốc áp dụng Blockchain cách đâu không lâu, nhưng đã vấp phải hàng loại vấn đề trong vấn đề nhất là về kiến thức, về tài chính tiền tệ, trong cả khoa học công nghệ, đào tạo, trong công tác nhân sự... Do đó, việc phổ cập Blockchain trên các kênh thông tin đại chúng rất quan trọng để người dân hiểu rõ về công nghệ chuỗi khối”, ông Huây cho biết thêm.
Đại diện cho khối doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Mark Hwang - Giám đốc KONCA tại Việt Nam chia sẻ: “KONCA có các chương trình liên kết nghệ sĩ, doanh nghiệp với việc kinh doanh NFT và những chương trình đào tạo chuyên gia về NFT. Chúng tôi sẽ là đơn vị đứng ra giúp đỡ họ trong quá trình kết nối và thực hiện mục tiêu. Hơn thế, KONCA sẽ liên kết và sẵn sàng hỗ trợ các Hiệp hội trong lĩnh vực truyền thống muốn tham gia vào lĩnh vực blockchain”.
Ông Choi Kang Yong, Chủ tịch của NBN, kênh tin tức Blockchain số 1 tại Hàn Quốc nhận định: “Hội thảo hôm nay không chỉ thảo luận về kinh tế mà còn là một sự kiện thúc đẩy và thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm thúc đẩy và ươm tạo tài sản kỹ thuật số và thế giới siêu dữ liệu ngoài Việt Nam và Hàn Quốc. Tương lai thị trường tài chính sẽ tiếp tục thay đổi nhờ công nghệ Blockchain, do đó chúng tôi hi vọng rằng đây sẽ là tiền đề quan trọng cho những sự kiện hợp tác tiếp theo.
KONCA và NBN sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam để biến mối quan hệ đối tác và liên minh này thành một đội dẫn đầu toàn cầu trong thời khắc cách mạng mà chúng ta đang sống”.
Để tiếp tục tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp thành viên và thắt chặt mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, tại chương trình, lễ ký kết các biên bản ghi nhớ giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) với Hiệp hội NFT Hàn Quốc (KONCA), Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) với Công ty TNHH Tin tức NBN cũng đã được thực hiện, góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai bên và tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới.
Các chuyên gia cũng cùng nhau thảo luận thêm về những xu hướng mở rộng của công nghệ blockchain như NFT, Metaverse, DeFi, DAO… vốn đang là trọng tâm của cách mạng 4.0 trên thế giới mà Việt Nam cần phải nắm bắt và theo kịp nếu muốn giành vị thế chủ động trong cuộc đua công nghệ.
Trong đó, NFT - token kỹ thuật số độc nhất đang được cho là có tiềm năng ứng dụng vào việc quản lý định danh số của công dân.
Metaverse là khái niệm về một vũ trụ mở cho phép người tham gia trải nghiệm thế giới thực lẫn ảo một cách liền mạch, qua đó tăng cường sức mạnh của nền kinh tế khi các vật phẩm, hàng hóa, hoạt động mua bán của con người có thể được đồng bộ liên tục giữa không gian số và không gian thực.
DeFi, DAO là những cách thức tiếp cận nền kinh tế theo một hướng mới đề cao tính minh bạch nhưng vẫn đảm bảo an toàn, cắt giảm những quy trình liên quan đến con người và được số hóa toàn diện qua sự trợ giúp các chương trình máy tính (dưới dạng hợp đồng thông minh - smart contract) và mạng lưới blockchain.