Nhu cầu tại các thị trường lớn, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Anh và các thị trường trong khối EU... đang có sự phục hồi đã đem lại sự lạc quan cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Ghi nhận thực tế sản xuất cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã đủ đơn hàng đến hết quý II, số khác kéo dài đến hết quý III. Sức cạnh tranh của ngành chế biến gỗ Việt Nam tương đối cao so với các đối thủ cùng ngành.
Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục hải quan cho biết, tháng 5/2024, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,263 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước, nhưng tăng 18,1% so với tháng 5/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 835,043 triệu USD, giảm 11% so với tháng trước, nhưng tăng 5,9% so với tháng 5/2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,174 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó trị giá sản phẩm gỗ đạt 4,189 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam, đạt 3,335 tỷ USD, tăng 26,04% so với cùng kỳ, chiếm 54,02% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Đứng thứ hai là thị trường Trung Quốc, với giá trị xuất khẩu 887,849 triệu USD, tăng 51,45% so với cùng kỳ, chiếm 9,49% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, thị trường gỗ đang phục hồi trở lại, hoạt động xuất khẩu hầu hết các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều ở mức cao, nhờ tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên.
Cùng với đó, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã cập nhật nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao.
“Điều này cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng trị giá xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế”, đại diện Cục XNK nhận định.
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ khác xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2024 như: Dăm gỗ tăng 23,1% so với cùng kỳ; tiếp theo là gỗ, ván và ván sàn đạt tăng 23,9%; gỗ viên nén tăng gần 10%...
Còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp ngành gỗ mở rộng thị phần tại EU
Dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) Cục XNK cho biết, quý I/2024, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU từ các thị trường ngoài khối đạt 1,4 tỷ Eur (tương đương 1,5 tỷ USD), tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trung Quốc là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ ngoài khối lớn nhất cho EU trong quý I/2024, đạt 650,5 triệu Eur (tương đương 709 triệu USD), tăng 40,6% so với cùng kỳ, chiếm 45,8% tổng trị giá nhập khẩu của EU từ các thị trường ngoài khối.
Thị trường Việt Nam đứng thứ 2, đạt 142,1 triệu Eur (tương đương 154,9 triệu USD), giảm 6,5% so với cùng kỳ, chiếm 10% tổng trị giá nhập khẩu của EU từ các thị trường ngoài khối.
“Tuy là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2, nhưng thị phần mặt hàng này của Việt Nam tại khối EU vẫn còn thấp, vì vậy, vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp ngành gỗ mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, kinh tế khởi sắc hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng tại EU tăng trong thời gian tới là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường EU”, đại diện Cục XNK cho biết.
Trong thời gian này, EU tăng nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài khối, trừ đồ nội thất nhà bếp. Trong đó, những mặt hàng nhập khẩu chính như đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng ngủ đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu những mặt hàng này từ Việt Nam vẫn còn thấp, do đó dư địa vẫn còn nhiều để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tại thị trường này.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, sản phẩm của ngành gỗ nội thất hiện nay đã có được sự phát triển có thể nói là vượt bậc. Doanh nghiệp chủ động chào hàng bằng chính thiết kế riêng thay vì chỉ tập trung vào việc nhận đơn hàng gia công như trước. Việc cải thiện thiết kế và mẫu mã sản phẩm chắc chắn sẽ giúp thu hút khách hàng quốc tế nhiều hơn. Đây là tín hiệu cực kỳ quan trọng, cho thấy khả năng tham gia vào các phân khúc tiếp theo trên toàn chuỗi cung ứng nội thất toàn cầu.
“Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính bền vững của ngành. Với tất cả nỗ lực ấy, mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng mà các doanh nghiệp đang hướng tới hoàn toàn có thể đạt được trong thời gian tới”, ông Phú nói.