Trong lúc thị trường bất động sản sôi động, những câu nói: “Người đẻ chứ đất không đẻ”; “đất chỉ có tăng giá, không có chuyện giảm”... dường như đã trở thành chân lý của rất nhiều nhà đầu tư. Theo đó, không ít người cứ có tiền mang hết mua đất, chờ thời bán chênh.
Tuy nhiên, những chân lý ấy đã không còn đúng ở giai đoạn này khi thị trường bất động sản trong nửa năm gần đây rơi vào trầm lắng. Nguyên nhân do các chính sách tiền tệ có phần kiểm soát chặt hơn trước. Bên cạnh đó là áp lực lãi suất tăng cao đang đè nặng lên thị trường bất động sản. Do vậy, những nhà đầu tư đã dốc hết tài sản vào đất như đang “ngồi trên đống lửa”.
Anh Nguyễn Văn Ngữ, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, năm 2021, dịch bệnh khiến các hoạt động kinh doanh của anh đều phải đình trệ. Khi đó, thấy thị trường bất động sản ở nhiều nơi lên cơn sốt, anh cũng tranh thủ dồn hết 6 tỷ đồng để mua 3 mảnh đất tại ven đô có diện tích lần lượt là 70m2, 82m2 và 90m2, tương đương mức giá trung bình khoảng gần 25 triệu đồng/m2, với mong muốn kiếm lời.
“Khi ấy là tôi đã dốc hết toàn bộ tài sản để mua. Đến đầu năm vừa rồi, dịch bệnh cũng đã được kiểm soát, tôi nghĩ rằng các mảnh đất của mình đã có lãi nên rao bán lấy tiền quay trở lại kinh doanh. Dù, môi giới xác nhận đã có lãi so với thời điểm xuống tiền, song rao mãi đến nay cũng có không có người mua”, anh Ngữ nói.
Rao bán suốt nhiều tháng, mức giá cũng dần tụt nhưng đến nay những mảnh đất của anh Ngữ vẫn chưa sang tay được chủ mới. Hiện tại, nhiều môi giới cũng cho rằng, nếu bán ngay thì phải cắt lỗ khá sâu nên anh do dự.
“Bây giờ tiền đã nằm hết ở đất, muốn mở kinh doanh hay bất cứ vấn đề gì cần đến số tiền lớn tôi cũng chưa biết xoay sở ra sao. Trong khi đó, hiện nay lãi suất ngân hàng đang tăng lên thì lại càng khó cho thị trường bất động sản, thanh khoản sẽ kém hơn nữa”, anh Ngữ nói.
Cùng chung hoàn cảnh với anh Ngữ, anh Hoàng Đăng, nhà đầu tư tại Hà Nội cũng liên tục “tất tay” vào bất động sản. Anh Đăng cho biết, năm 2021, có 4 tỷ đồng trong tay anh mua 2 mảnh đất tại Bắc Giang, với tổng diện tích 170m2. Đến đầu năm 2022, thấy thị trường vẫn sôi động, anh tiếp tục xoay sở thêm 2,5 tỷ đồng để mua thêm một mảnh đất ở Thường Tín (Hà Nội), diện tích gần 100m2.
“Đến giờ tôi cần tiền để làm việc khác nhưng dù liên hệ rất nhiều môi giới, chấp nhận trả phí hoa hồng cao hơn nhưng họ cũng đều nói không chắc chắn. Trong khi bây giờ tôi cũng đang gánh nợ nên việc xoay sở tiền là điều rất khó. Còn nếu bán đất thời điểm này thì cũng phải cắt lỗ khá nhiều”, anh Đăng nói.
Hiện nay, thị trường vào giai đoạn trầm lắng, lượng thanh khoản đất nền đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, cả nước có 115.129 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 54% so với quý 2/2022. Cụ thể, tại miền Bắc có 21.806 giao dịch; tại miền Trung có 18.789 giao dịch; tại miền Nam có 74.534 giao dịch.
Song, không ít môi giới bất động sản tại nhiều khu vực cũng phải thừa nhận, nếu muốn bán được đất trong thời điểm này, giá phải giảm sâu từ 20 - 30% so với thời kỳ đỉnh cơn sốt. Thực tế, việc chấp nhận bán lỗ đã không chỉ xuất hiện ở những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính mà ngay cả những người dùng tiền thật cũng đang bị áp lực từ thanh khoản.
Thực tế, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, không ít nhà đầu tư cũng tỏ ra e ngại thị trường sẽ tiếp tục xấu hơn. Do vậy, người có đất hiện nay đang muốn bán tài sản đi nhưng người có tiền vẫn do dự trong quyết định đầu tư.