Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam
Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, mỗi ngày địa phương này đưa ra thị trường khoảng 6.000 con heo, tương đương 60.000 tấn thịt heo, và 60.000 con gà, vịt/ngày, trị giá khoảng 48 tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt trong thời gian qua tăng gần 20%, có thể làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.
Báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương cho biết, trong quý II/2024, nhập khẩu thịt heo và thịt bò của Việt Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong khi nhập khẩu thịt gia cầm, thịt trâu và phụ phẩm sau khi giết mổ của trâu, bò, heo lại tăng.
Quý II, Việt Nam nhập khẩu 27,04 nghìn tấn thịt heo trị giá 60,69 triệu USD, tăng 99,6% về lượng và tăng 99,5% về trị giá so với quý I/2024.
Nhập khẩu thịt heo có xu hướng tăng trong tháng 5 và tháng 6, nhưng tổng lượng nhập khẩu trong quý II chỉ bằng 2,2% so với tổng sản lượng thịt heo của cả nước.
Trong thời gian nay, top 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam là Brazil, Nga, Canada, Đức và Hoa Kỳ. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam, tăng 132% về lượng và tăng 130,1% về trị giá so với quý I/2024, và tăng 72,7% về lượng và tăng 60,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, quý II/2024, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam tăng trưởng tốt, tăng 15,8% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với quý I/2024, và tăng 36,3% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á. Trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 41,59% về lượng và chiếm 56,46% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước, tăng 0,8% về lượng, nhưng giảm 6,5% về trị giá so với quý I/2024, tăng 25% về lượng và tăng 16,6% về trị giá so với cùng kỳ.
Cần kiểm soát chặt nhập khẩu nội tạng và các phế, phụ phẩm
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, mỗi ngày địa phương này cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, … 120.000 tấn thịt heo và gia cầm.
Bên cạnh đó, lượng thịt nhập khẩu vào nội địa ngày càng tăng, nhất là nhập khẩu nội tạng và phế, phụ phẩm nhưng vấn đề này vẫn chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo. Do vậy, việc quan trọng bây giờ là cần phải ổn định vừa sản xuất, vừa hài hòa cung ứng cho thị trường.
Đồng thời, cơ quan chủ quản khi cho phép nhập khẩu thịt từ nước ngoài vào cần đưa những tiêu chí như nhập khẩu các chính phẩm, và cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu nội tạng và các phế, phụ phẩm cũng như nguồn gốc nhập khẩu.
Cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề truy xuất nguồn gốc và công bố thời gian nhập khẩu, thời hạn sử dụng, có như vậy mới hài hòa với sản xuất trong nước, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước.
“Đối với tỉnh Đồng Nai, ngành chăn nuôi rất là quan trọng và chúng tôi rất mong Cục Chăn nuôi làm sao giữ được sản lượng của ngành chăn nuôi trong nước, đặc biệt, Việt Nam là một nước nông nghiệp vì vậy cần tính toán sao để tăng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giảm dần lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu.
Trước đây, nhờ quyết liệt trong việc chống nhập khẩu heo lậu nên giá heo hơi tăng trở lại đây là tín hiệu rất mừng, nhưng theo báo cáo của Cục Chăn nuôi giá heo sẽ ở mức cao cho đến cuối năm và qua năm 2025, do chưa tự chủ đủ nguồn cung thịt heo trong nước nên vẫn phải nhập khẩu”, ông Công nói.
Theo ông Công, đối với các loại dịch bệnh khác ngành chăn nuôi đã khống chế rất tốt nhưng bệnh dịch tả heo châu Phi là một vấn đề rất phức tạp và hiện nay ngành chăn nuôi vẫn chưa kiểm soát dịch bệnh này một cách chặt chẽ. Mặc dù Việt Nam dã sản xuất thành công vaccine phòng dịch tả heo châu Phi, nhưng khi sử dụng thì kết quả vẫn chưa như mong muốn.
Trong 6 tháng cuối năm có thể loại bệnh dịch có thể xảy ra, nếu diễn biến phức tạp sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các hộ và doanh nghiệp.