Quay về eMagazine
“SẾU ĐẦU ĐÀN” NÔNG NGHIỆP

“SẾU ĐẦU ĐÀN” NÔNG NGHIỆP

NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐANG ĐI NHỮNG BƯỚC VỮNG CHẮC, THỂ HIỆN RÕ VAI TRÒ LÀ “BỆ ĐỠ” CỦA NỀN KINH TẾ VÀ AN NINH LƯƠNG THỰC.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 53 tỷ USD, tăng 3,83%, cao nhất trong vòng 10 năm qua, ghi nhận 6 mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất với giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 23,2%, Hoa Kỳ chiếm 20,6% và Nhật Bản chiếm 7,4%.

Hiện, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới nhưng có những ngành hàng Việt Nam hiện đang đứng top đầu. Để kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục tăng cao, sẽ không thể thiếu những doanh nghiệp "sếu đầu đàn", có khả năng làm nông nghiệp bài bản, có tư duy kinh doanh theo chuỗi, đầu tư khoa học công nghệ.

Có thể kể đến một số doanh nghiệp như: CTCP Dabaco (mã DBC), CTCP Đường Quảng Ngãi (UpCOM, mã QNS), CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC), Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (UpCOM, mã APF), CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (UpCOM, mã SKV)... Những doanh nghiệp kể trên hầu hết là những doanh nghiệp có doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đều tự chủ về công nghệ, không ngừng cải tiến, ra mắt sản phẩm mới, đặt mục tiêu xuất khẩu vào những thị trường lớn với tiêu chuẩn nghiêm ngặt và đặt cao vấn đề giải quyết việc làm, an sinh xã hội.

kqkd-cac-doanh-nghiep-nong-nghiep-1491.png

DABACO - ĐA DẠNG HOÁ XUẤT KHẨU

Tháng 11/2023, Dabaco đã hoàn thành các bước kiểm tra thực địa đối với 3 lô vaccine dịch tả lợn châu Phi trên các trang trại ở Bắc Ninh. Khi được cấp phép thương mại hoá, nhà máy vaccine của Dabaco sản xuất đại trà từ cuối quý IV/2023. Dabaco đặt mục tiêu không chỉ lưu hành trong nước mà sẽ xuất khẩu vaccine sang các quốc gia chăn nuôi lợn lớn, mang lại nguồn thu bền vững kể từ 2024.

Nguồn thu chủ yếu của Dabaco hiện đến từ các mảng thức ăn chăn nuôi, ngoài ra là các mảng khác như giống gia súc gia cầm, giết mổ chế biến thực phẩm, dầu thực vật, phân bón vi sinh và bất động sản… Trải qua 27 năm hình thành và phát triển Dabaco đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, từ doanh nghiệp nhà nước với số vốn 657 triệu đồng, 30 cán bộ nhân viên, doanh thu 30 triệu vào năm 1996, cổ phần hoá vào năm 2005 với vốn điều lệ 70 tỷ đồng, hiện trở thành tập đoàn đa ngành nghề với tổng tài sản 11.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 2.420 tỷ đồng và hơn 11.000 lao động, 60 đơn vị kinh doanh.

Ở mảng thức ăn chăn nuôi, Dabaco đầu tư hệ thống các nhà máy chế biến cao cấp tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Tĩnh, Bình Phước, Phú Thọ có tổng công suất 1,5 triệu tấn.

Mảng giống gia súc gia cầm, mỗi năm cung cấp trên 1,5 triệu con lợn giống, trên 60.000 tấn thịt lợn, đặc biệt trứng gà vỏ xanh được ví như “trứng gà nhân sâm” duy nhất chỉ có ở Dabaco.

Trong hệ sinh thái nông nghiệp - thực phẩm của Dabaco không thể không kể tới bộ đôi dầu đậu nành Coba và Umi, như “ngôi sao mới” nhờ hàng loạt ưu thế về chất lượng, dinh dưỡng đối với sức khoẻ đáp ứng 3 yếu tố quan trọng “xanh- sạch-lành”.

dabaco2-6745.jpg

Dabaco đã mạnh tay đầu tư nguồn lực để xây dựng một nhà máy chiết xuất và tinh luyện dầu với chu trình sản xuất khép kín và công nghệ tinh luyện tiên tiến, hiện đại đó là công nghệ Nano trong khâu tinh luyện và công nghệ Zero Effluent Discharge System trong khâu chiết xuất, được chuyển giao độc quyền từ hãng Desmet (Bỉ).

Dự báo kết quả kinh doanh năm 2023 của Dabaco, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) cho biết, doanh thu của Dabaco đạt 10.914 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỷ đồng. Năm 2024, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 11.312 tỷ đồng và 155 tỷ, tăng lần lượt 3,7% và 312% so với năm 2023.

Không chỉ ở thị trường trong nước, nông sản Việt cũng khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới nhờ cách làm bài bản, tư duy kinh doanh theo chuỗi và đầu tư khoa học công nghệ.

ĐƯỜNG QUẢNG NGÃI – CHUỖI GIÁ TRỊ THEO CHIỀU DỌC

Đường Quảng Ngãi áp dụng mô hình kinh doanh theo chiều dọc từ việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào là đậu nành và mía tại vùng trồng của công ty đến việc sản xuất đường để sản xuất sữa đậu nành và bánh kẹo. QNS phát triển vùng nguyên liệu mía đường ở Gia Lai và Quảng Ngãi với diện tích ước tính gần 30.000 ha, chiếm 16% diện tích mía đường của Việt Nam, tự chủ 30-40% nguyên liệu đậu nành với vùng nguyên liệu có diện tích 9.000 ha.

Ngoài sản xuất đường, QNS còn sản xuất sữa đậu nành (Vinasoy, Fami) và bánh kẹo (Biscafun) -sử dụng đường là nguyên liệu đầu vào. Do đó, các hoạt động sản xuất này sẽ tiêu thụ một phần sản lượng đầu ra từ mảng đường. Thêm vào đó, công ty còn sở hữu nhà máy điện sinh khối An Khê, sử dụng bã mía sau quá trình sản xuất đường để sản xuất điện cho các nhà máy và kết nối với lưới điện quốc gia.

Động lực giúp tăng trưởng doanh thu mảng sữa đậu nành của QNS đến từ hoạt động nghiên cứu và đổi mới khi liên tục ra mắt sản phẩm mới phù hợp với thị yếu của mọi lứa tuổi người tiêu dùng. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, giai đoạn 2023-2028, doanh thu sữa đậu nành ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 4,5% với giả định giá bán tăng có tốc độ tăng trưởng bình quân 1,8%/năm và sản lượng tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình năm là 2,7%.

Điểm sáng trong năm 2023 của QNS là hoạt động sản xuất đường khi giá đường ở mức cao và tiếp tục dự báo sẽ biến động trong năm 2024. Với lợi thế là doanh nghiệp sản xuất đường lớn thứ 2 tại Việt Nam, chiếm 11% sản lượng, năng lực sản xuất lớn giúp QNS nắm bắt tốt hơn nhu cầu cũng như tiết kiệm chi phí.

VNDIRECT dự báo năm 2023, QNS đạt doanh thu 10.071 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.990 tỷ đồng. Năm 2024, doanh thu 10.954 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.104 tỷ đồng, tăng tương đương 8,8% và 5,7% so với năm 2023.

(chart dự phóng KQKD QNS)

VĨNH HOÀN - MỤC TIÊU TẬP ĐOÀN CHẾ BIẾN HÀNG ĐẦU

Được thành lập từ năm 1997, Tổng Công ty Vĩnh Hoàn đã từng bước vươn lên trở thành nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam kể từ năm 2010. Doanh thu xuất khẩu đóng góp hơn 75% tổng doanh thu của VHC. Doanh nghiệp xuất khẩu phần lớn phi lê cá tra, collagen và gelatin, một phần của thịt cá và dầu cá. VHC tập trung vào thị trường tiêu dùng Mỹ nơi khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm cá tra chất lượng của Việt Nam.

Ngoài thị trường Mỹ, Vĩnh Hoàn tập trung vào thị trường EU và Trung Quốc. Năm 2024, Vĩnh Hoàn có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào thị trường này khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, tạo nhiều dư địa tăng trưởng trong những năm tới.

Vĩnh Hoàn liên tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ cá tra. Nhận thấy tiềm năng của ngành nông nghiệp, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu trở thành tập đoàn chế biến thực phẩm hàng đầu. Hiện thực hoá mục tiêu này, Vĩnh Hoàn đã thành lập Vinh Agriculture vào đầu năm 2021 và mua lại Công ty Thực phẩm Sa Giang để mở rộng chuỗi giá trị.

Để đáp ứng việc mở rộng thị trường, và sản xuất các sản phẩm mới, VHC cũng không ngừng nâng cao năng lực sản xuất trong những năm vừa qua. Cụ thể, năm 2022, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đi vào hoạt động, nhà máy Thành Ngọc với tổng công suất 23.000 tấn/năm dự kiến hoạt động vào cuối năm 2023. Đầu tư dây chuyền C&G (collagen&gelatin) nâng tổng công suất lên 7.000 tấn/năm, dự kiến hoạt động vào quý I/2024.

Với kế hoạch này, Vĩnh Hoàn cho thấy việc bắt đầu nền móng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, biến đầu ra của chuỗi giá trị này thành đầu vào của chuỗi giá trị khác nhằm duy trì mức biên lợi nhuận gộp ổn định so với các doanh nghiệp cùng ngành.

9 tháng năm 2023, doanh thu Vĩnh Hoàn đạt 7.643 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 849 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2022 do giá bán cá tra kéo dài xu hướng giảm. Dự báo về năm 2024, VNDIRECT cho rằng, doanh thu của Vĩnh Hoàn có thể đạt 12.216 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.304 tỷ đồng, tăng lần lượt 60% và 54% so với năm 2023.

Phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

APFCO - CHIẾN LƯỢC MỞ RỘNG QUY MÔ

CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO) được thành lập từ năm 2003, đến nay đã trở thành một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol, là một trong các doanh nghiệp hàng đầu của ngành sản xuất - xuất khẩu tinh bột sắn trong khu vực Đông Nam Á.

Các sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu đi các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... với nguồn nguyên liệu tươi, sản phẩm bột đạt tiêu chuẩn khắt khe, bảo quản trong môi trường chuyên nghiệp, áp dụng kĩ thuật - công nghệ tiên tiến.

APFCO hiện có 7 công ty con, công ty liên kết với tổng công suất trên 3.500 tấn sản phẩm/ngày, sản lượng hàng năm đạt từ 500.000 tấn sản phẩm tinh bột sắn các loại, trong đó có trên 80.000 tấn sản phẩm tinh bột sắn biến tính, nhà máy cồn với sản lượng hàng năm đạt 30.000m3 cồn thực phẩm.

Về kế hoạch mở rộng quy mô sang Lào, trong chiến lược trung dài hạn, APFCO đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đầu tư sản xuất và kinh doanh tinh bột sắn các loại tại Lào. Nhà máy tại Lào có công suất 300 tấn sản phẩm/ngày, tổng mức đầu tư 221 tỷ đồng.

Nhờ xuất khẩu sắn cao kỷ lục năm 2022, APF đạt doanh thu cao kỷ lục với 7.100 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Năm 2023, APFCO đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 270 tỷ đồng

YẾN SÀO KHÁNH HOÀ – CƠ HỘI TỪ THỊ TRƯỜNG TỶ DÂN

CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (mã SKV) thuộc Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa do UBND Tỉnh Khánh Hòa quản lý hiện đang giao dịch trên UpCOM là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm yến sào với 2 thương hiệu Sanest và Sanvinest.

SKV được công ty mẹ Yến sào Khánh Hòa giao nhiệm vụ thực hiện xuất khẩu sản phẩm yến sào Sanest, Sanvinest sang thị trường Trung Quốc.

Ngày 24/11, SKV đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc và theo bà Trịnh Thị Hồng Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, Chủ tịch HĐQT CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa, việc xuất khẩu thành công sản phẩm sang Trung Quốc đem cơ hội rất lớn để Công ty có thể tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu, đem lại doanh thu đóng góp vào ngân sách Nhà nước, đồng thời đưa yến sào Việt Nam nhanh chóng được tiếp cận thị trường lớn hàng đầu thế giới có sự am hiểu về yến sào, cũng như có sức tiêu thụ yến sào lớn nhất thế giới.

Cũng theo lãnh đạo Sanvinest, sản phẩm tổ yến và các sản phẩm khác lần lượt xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong năm 2023, đánh dấu bước tiến mới của doanh nghiệp. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu yến sào sang Trung Quốc năm 2024 của công ty sẽ đạt từ 10 triệu USD trở lên và tăng trưởng từ 35-40% so với năm trước.

Để chuẩn bị tốt công tác xuất khẩu chính ngạch, công ty đã triển khai xây dựng chuỗi nhà yến theo đúng quy chuẩn, chất lượng cao với hơn 300 nhà yến, trong đó có 142 nhà yến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, sản lượng mỗi năm khoảng 30 tấn. Bên cạnh đó, công ty thực hiện chuỗi liên kết sản phẩm, xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc yến sào hướng đến nâng cao chất lượng tổ yến.

yen-sao-xk-9887.jpeg
Ảnh: Sanvinest Khánh Hoà xuất khẩu chính ngạch yến sào sang Trung Quốc (Ảnh Sanvinest Khánh Hoà).

Trong năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 2.152 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 103 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21% và 29% so với năm trước.

9 tháng đầu năm 2023, sức mua suy yếu khiến doanh thu SKV sụt giảm 10% xuống còn 1.520 tỷ đồng, tuy nhiên công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 81,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Việc xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ cuối tháng 11 kỳ vọng sẽ giúp doanh thu, lợi nhuận của SKV đạt mức cao trong cả năm 2023.

Đến 2030, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới

Tại Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định việc phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội – môi trường, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Mục tiêu đến 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thuỷ sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, mở rộng phát triển thị trường nhất là thị trường xuất khẩu với tốc độ tăng giá trị đạt bình quân từ 5-6%. Phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Như vậy, để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi sự phát triển hơn nữa từ các doanh nghiệp nông nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Những doanh nghiệp quy mô lớn cần phát huy hơn nữa vai trò “sếu đầu đàn” để nông nghiệp Việt Nam có thể cất cánh.

Theo Ấn phẩm Sức mạnh nội lực

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE