Thực mục sở thị tại phòng công chứng trên đường Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long B, TP.Thủ Đức, TP.HCM, nhận thấy, rất ít người đến công chứng hồ sơ đất đai. Đây là phòng công chứng lâu đời trên địa bàn TP.Thủ Đức, luôn ghi nhận tình trạng đông đúc, thậm chí “nghẽn” hồ sơ thời điểm đất đai nóng sốt. Hiện tại, tình cảnh trái ngược hẳn thời điểm đầu năm 2022.
Theo một nhân viên tại phòng công chứng, hơn 2 tháng nay, hồ sơ công chứng đất đai rất ít, vắng khách hẳn. Lượng hồ sơ giảm 60-70% so với đầu năm 2022. Theo bạn nữ này, vào hồi đầu năm, lượng hồ sơ nhà đầu tư công chứng chuyển nhượng đất đai khá sôi động, hiện tại đa phần là các hồ sơ tồn đọng trước đó, hoặc của các nhân, hộ gia đình làm các thủ tục sang tên…
Tìm hiểu được biết, đây là phòng công chứng quy mô trên địa bàn quận 9 (cũ), nay là TP.Thủ Đức, TP.HCM. Gần như hoạt động công chứng mua bán đất đai của khu vực này tập trung chủ yếu tại đây. Nhìn tình trạng đìu hiu hiện tại, cho thấy thị trường BĐS đang thực sự gặp khó thanh khoản, sức cầu.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại phòng công chứng K.N trên địa bàn huyện Long Tân, Nhơn Trạch (Đồng Nai). Thời điểm đất đai sôi động, mỗi ngày nơi đây có hàng trăm người đến công chứng hồ sơ, thậm chí có thời điểm phải xếp hàng từ sáng sớm đến chiều muộn chưa giải quyết xong hồ sơ. Thế nhưng, hiện tại, cả ngày phòng công chứng này chỉ đón vài lượt khách công chứng ra vào. Nhân viên làm việc “túc tắc”, khác hẳn với cảnh tấp nập, thậm chí nhân viên không có thời gian ăn trưa như thời điểm đầu 2021.
Dù thị trường có phần chậm lại, nhưng đầu 2022, phòng công chứng này vẫn hoạt động khá sôi động. Việc chuyển nhượng sang tên của các nhà đầu tư liên tục trong tuần. Thế nhưng, hiện tại, thị trường bất động sản chậm hẳn khiến phòng công chứng cũng đìu hiu theo. Theo ghi nhận, lượng hồ sơ công chứng của văn phòng này phải giảm 70-80% so với thời điểm đầu năm 2022.
Sức cầu thị trường các khu vực ven TP.HCM và tỉnh lân cận giảm mạnh từ thời điểm tháng 5/2022. Tuy nhiên, thanh khoản thực sự “ngấm đòn” những tháng cuối năm 2022, khi hoạt động đầu tư mua bán gần như “tắt hẳn”. Chính sách tín dụng đã ảnh hưởng mạnh đến dòng tiền của doanh nghiệp, nhà đầu tư…kéo theo sức mua thị trường sụt giảm.
Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam, nguồn cung và sức cầu bất động sản liên tục ghi nhận giảm mạnh bắt đầu từ giữa quý 2, đến nay thị trường gần như “ngủ đông” ở một số phân khúc nhất là bất động sản nghỉ dưỡng cụ thể là phân khúc condotel. Những phân khúc còn lại sức cầu chỉ bằng 10% - 20% so với đầu năm 2022. Xu hướng giảm chưa có dấu hiệu dừng lại nếu tình hình thị trường không có chuyển biến mới trạng thái “ngủ đông” lan rộng trên diện rộng hơn.
Nhìn từ phòng công chứng đất đai để thấy tình hình thị trường bất động sản đang gặp khó thực sự. Nguồn vốn bị tắc nghẽn là tình hình nhìn rõ nhất trên thị trường bất động sản lúc này. Đến thời điểm hiện tại hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đang có chung trình trạng thiếu vốn/đứt nguồn vốn. Các kênh huy động vốn gần như “tắc nghẽn” doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước nguy cơ sống còn. Nhiều chủ đầu tư, đơn vị môi giới lớn nhỏ cũng đã phải thực hiện nhiều biện pháp cắt giảm, tinh gọn bộ máy tổ chức nhằm ứng biến linh hoạt, tối ưu hiệu quả hoạt động trong tình hình hiện tại.
Theo một số chuyên gia, kì vọng khả năng thị trường sẽ có những khởi sắc nhất định vào đầu năm 2024 khi: Tình hình vĩ mô nền kinh tế ổn định trở lại; hoạt động thanh kiểm các dự án, chủ đầu tư hoàn tất; vấn đề liên quan đến trái phiếu bất động sản được khắc phục; các nút thắt pháp lý cấp phép dự án dần được tháo dỡ khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua và có hiệu lực.