Đó là căn nhà kết cấu 4 lầu, có diện tích 80m2 tại mặt tiền đường Lò Lu, P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức, TP.HCM. Ngôi nhà đang xây dở thì chủ nhà rao bán với mức giá 16,5 tỷ đồng/căn. Sau 3 ngày đăng tin, có người đến đặt tiền mua với giá thương lượng được là 16 tỷ đồng. Được biết, mảnh đất này được chủ đất mua vào năm 2017 với mức giá 4 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính cả chi phí xây nhà, thì sau 5 năm, mức chênh lệch của mảnh đất mặt tiền này tăng giá hơn gấp đôi so với giá mua vào. Theo chủ nhà, đây là mức giá anh bán “rẻ” so với mặt bằng chung và so với giá trị mảnh đất. Đó là thể là lý do căn nhà có người đến “chốt ngay” sau vài ngày rao bán.
Không có gì đáng nói, bởi, ngay trong bối cảnh khó khăn, nhiều nhà đầu tư vẫn khá dồi dào nguồn tiền để chốt giao dịch bất động sản. Việc xuống tiền 16 tỷ đồng tiền mặt để sở hữu căn nhà rộng 80m2 cho thấy, khá nhiều nhà đầu tư đang “ngắm nghía” bất động sản yêu thích, xuống tiền nhanh chóng.
Cầm bao tiền đi săn hàng ngộp, anh Q, một nhà đầu tư còn khá trẻ ngụ tại Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng “không tiếc tiền” với bất động sản có tiềm năng. Dù không tiết lộ số tiền đi săn bất động sản nhưng hiện nhà đầu tư này đã xuống tiền các mảnh đất nông nghiệp và thổ cư tại khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận. Như vậy, anh Q phải có sẵn số tiền hàng chục tỉ đồng để mua bất động sản lúc này.
Lúc thị trường khó khăn, rao bán cắt lỗ vẫn khó ra hàng thì nhóm anh Ch, ngụ tại TP.Thủ Đức, TP.HCM lại có sẵn hàng chục tỷ đồng để mua bất động sản. Đa số đây là các bất động sản nhóm anh Chung “ngắm nghía” từ trước nhưng giá cao, chưa xuống tiền. Thời điểm này, anh Ch có thể “ép giá” xuống để mua vào, với những nhà đầu tư cần dòng tiền gấp.
Nhà đầu tư lẻ có dòng vốn mạnh vẫn khá nhiều trên thị trường bất động sản. Ảnh minh hoạ.
Thực tế, những nhà đầu tư lẻ có kinh nghiệm và chắc vốn như các trường hợp trên không phải hiếm trên thị trường bất động sản. Đa số họ dự trữ được nguồn tiền dồi dào từ việc đầu tư bất động sản “thắng đậm”, ít sử dụng đòn bẩy tài chính.
Lúc thị trường khó khăn, bất động sản hạ giá họ tìm cách mua vào và chờ cơ hội mới. Đây cũng là đối tượng đầu tư luôn đi trước thị trường và nhanh nhạy trong việc quyết định ra hàng – mua vào để không bị chôn vốn quá lâu ở các “điểm nóng” bất động sản. Khi có dòng vốn mạnh, họ thường săn được bất động sản giá mềm hơn từ 20-50%, đây cũng là mức chênh lệch các nhà đầu tư này được hưởng sau khi thị trường phục hồi thanh khoản. Chưa kể, giá trị bất động sản có thể “bật tăng” khi chu kì bất động sản mới xuất hiện.
Chẳng hạn, như trường hợp căn nhà 4 tầng giá 16 tỷ đồng ngay mặt tiền buôn bán kinh doanh sầm uất mà nhà đầu tư kia đã “chốt” sau vài lần rao bán. Theo phân tích và định giá của các nhà đầu tư có nghiệm, căn nhà đó có thể tăng thêm 4-5 tỷ đồng, sau khi thị trường phục hồi. Lý do, bất động sản có thể kinh doanh được, toạ lạc tại khu vực sầm uất, rất ít khi mất giá. Mức độ tăng giá của loại hình này cũng rất nhanh. Với những nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tài chính sẵn, họ nhìn ra được câu chuyện này và sẵn sàng khi biết được bất động sản nắm giữ có tiềm năng thực sự.
Theo một số chuyên gia, thị trường càng bán tháo, cắt lỗ thì càng xuất hiện lớp nhà đầu tư dòng tiền mạnh. Họ âm thầm đi săn bất động sản, nhưng rất kỹ trong khâu lựa chọn sản phẩm. Dòng tiền của họ sẽ được tăng lên nhanh chóng lúc thị trường ổn định trở lại. Theo chia sẻ của anh Q (ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai), tiền chỉ đẻ ra tiền khi nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội và đã trải qua nhiều đợt lên – xuống của thị trường bất động sản. “Tại sao có sẵn dòng tiền lại không mua bất động sản tiềm năng, rẻ hơn thời điểm nóng sốt 20-40%”, anh Q phân tích cơ hội.
Tuy nhiên, quan sát cho thấy nhược điểm của các nhà đầu tư này là khá “tham” với bất động sản giảm giá, luôn kì vọng mức lợi nhuận cao. Theo đó, rủi ro là dòng tiền bị dàn trải vào nhiều bất động sản cùng một lúc, ở một thời điểm.