Anh T. (Hà Nội) chia sẻ, anh vừa môi giới thành công thương vụ nhà phố với giá trị lên tới 14 tỷ đồng. Từ thời điểm nhận thông tin về quyết định bán căn nhà phố của chủ nhà, đến khi khách cọc tiền, chỉ mất 16 ngày. Số tiền cọc lên tới 500 triệu đồng. Phía người mua và chủ nhà dự tính cuối tháng 12 sẽ tiến hành thủ tục công chứng sang tên.
Môi giới này cũng cho biết, căn nhà phố này thực tế được rao bán từ năm 2021. Thời điểm rao bán là sau COVID-19, thị trường khá sôi động. Mức giá mà chủ nhà phát ra là 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm đó, nhiều khách hàng hỏi, trả giá 15-16 tỷ đồng nhưng chủ nhà không đồng ý. Sau đó, chủ nhà không bán, quyết định giữ để chờ thời điểm.
“Đến hiện tại, do “kẹt” tiền nên chủ nhà liên hệ với tôi để rao bán. Mức giá mà chủ nhà đưa ra là 15 tỷ đồng thu về, giảm 3 tỷ so với thời điểm năm 2021. Người mua căn nhà phố này cũng tìm kiếm “hàng” hơn 3 tháng nay nhưng chưa chọn được căn phù hợp. Khi đến xem căn nhà phố này, người mua chốt và đàm phán với chủ nhà. Mức giá 14 tỷ là con số cuối cùng mà 2 bên thống nhất giao dịch cùng điều kiện không giải ngân song song từ phía ngân hàng mà thanh toán đủ trong ngày công chứng”, anh T. chia sẻ.
Anh T. nói thêm: “Một căn nhà phố 14 tỷ chỉ rao bán hơn 2 tuần có khách chốt. Ai bảo thị trường địa ốc đang đóng băng khi vẫn có giao dịch, vẫn có người mua”.
Anh T. cho biết, thực tế, chỉ có đất nền, đất thổ cư – loại hình bất động sản thiên về đầu cơ sẽ khó thanh khoản. Giao dịch dù có nhưng rất thấp. Với loại hình bất động sản đánh vào nhu cầu ở thực, tạo ra dòng tiền như nhà phố, nhà trong ngõ, chung cư, lượng người mua luôn có. Tất nhiên, thị trường sẽ không thể mua bán tấp nập như cách đây 1 năm.
Chị Liên Ngô (môi giới nhà đất thổ cư ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho biết: “Nhà đất trong ngõ vẫn có giao dịch. Nếu như thời điểm trước Tết 2020, 2021, 2022, thị trường nhà đất trong ngõ rất sôi động. Trung bình, một môi giới giàu kinh nghiệm phải bán được từ 2-4 căn/tháng là chuyện bình thường. Nhưng đến hiện tại, người mua chỉ túc tắc. Như tôi, tháng 11 mới môi giới thành công 1 căn nhà đất. Một số khách của tôi đang ưng căn nhà mà tôi giới thiệu. Khả quan, tháng 12 cũng sẽ có khách chốt. Hiện, các chủ nhà đất trong ngõ cũng giảm trung bình từ 100-200 triệu đồng để kích cầu người mua”.
“Thị trường bất động sản năm nay khó khăn hơn những năm trước rất nhiều”, chị Liên Ngô cho hay. Tuy nhiên, theo chị Liên Ngô, người có hơn 10 năm gắn bó với bất động sản, đây là quy luật tất yếu của thị trường và giai đoạn này sẽ sớm qua nhanh. Chị Liên Ngô nhận định, bất động sản không đóng băng mà thực tế vẫn có giao dịch. Lực cầu mua nhà không suy giảm nhưng do lãi suất tăng cao và khả năng duyệt hồ sơ khó hơn nên người mua cũng đắn đo, cẩn trọng trong quyết định mua nhà. Ngay cả nhà trong ngõ hay nhà chung cư đều dễ cho thuê. Giá cho thuê đều tăng.
Theo môi giới này, sang năm 2023, khi room tín dụng mở rộng, người mua dễ dàng được duyệt vay hồ sơ mua nhà, thì lượng giao dịch sẽ tăng trở lại.
Giới chuyên gia bất động sản chung nhận định, nhu cầu của thị trường vẫn lớn. Lượng giao dịch trên thị trường tuy giảm nhưng không hoàn toàn “trắng giao dịch”. Dữ liệu mới đây của batdongsan.com.vn cũng ghi nhận, trong 10 tháng đầu năm 2022, mức độ quan tâm tăng mạnh ở tất cả các loại hình bất động sản cho thuê, đặc biệt là văn phòng cho thuê (tăng 181%), nhà mặt phố cho thuê (tăng 127%), nhà riêng cho thuê (tăng 48%), chung cư cho thuê (tăng 43%). Những con số này là minh chứng cho sức cầu về bất động sản vẫn tốt.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, giao dịch trên thị trường đang sụt giảm nhưng thị trường chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và lực cầu của thị trường vẫn ở mức cao. Ông Đính dự đoán, thị trường sẽ bước vào giai đoạn tái cân bằng, tiếp tục phát triển bền vững khi Nhà nước điều tiết tốt những chính sách, công cụ nhằm điều tiết cung cầu hàng bất động sản như thuế, tín dụng, đất đai, tài chính... hoặc thu hút đầu tư.