Năm 2022, dù được dự đoán là năm hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch COVID, song tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khi các cuộc khủng hoảng đa chiều liên quan đến mâu thuẫn địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng rủi ro đối với thị trường tài chính, an ninh năng lượng và an ninh lương thực trên toàn cầu.
Những thách thức này đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ và làm suy giảm thu nhập cũng như nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, sức mua đối với các mặt hàng tiêu dùng nói chung và mặt hàng sữa nói riêng bị ảnh hưởng không ít. Điều này được phản ánh khá rõ qua kết quả kinh doanh năm 2022 cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp ngành sữa.
Cụ thể, trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 vừa công bố, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 8.622 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 8.514 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2022, Vinamilk chứng kiến doanh thu sụt giảm nhẹ so với năm 2021, đạt 60.075 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất xuống mức thấp nhất 7 năm, đạt 8.578 tỷ đồng.
Trong báo cáo thường niên 2022, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, những cố gắng trong ổn định doanh số và kiểm soát chi phí vận hành không đủ để bù đắp cho tác động cộng hưởng của lạm phát giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao và biến động tỷ giá. Kết quả là lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.496 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch năm.
Với kết quả kinh doanh năm 2022 không đạt kỳ vọng, sang năm 2023, Tổng giám đốc Vinamilk cho rằng, dù tự tin với các kế hoạch thay đổi thúc đẩy quá trình chuyển đổi, môi trường kinh doanh rõ ràng vẫn còn nhiều thử thách.
"Không như trước đây, với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các quốc gia và thương mại quốc tế, tác động của suy thoái kinh tế trong một nền kinh tế sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn ở những nơi khác. Điều đó có thể có tác động đến người tiêu dùng và các đối tác của Vinamilk", bà Mai Kiều Liên đánh giá.
Trước những yếu tố này, bà Mai Kiều Liên cho biết, Vinamilk bước vào năm tài chính 2023 với sự thận trọng và quyết tâm chuyển đổi vì chỉ có chuyển đổi mới có thể vượt qua cái bóng của những thành công trước đây để phát huy hết các tiềm năng trong thời kỳ mới.
Theo bà Liên, ưu tiên ngắn hạn của Vinamilk sẽ là tăng trưởng thị phần và doanh số bán hàng một cách bền vững và có lợi nhuận. Đó là lý do tại sao Vinamilk tập trung vào tối ưu chi phí vận hành để có thể tái đầu tư mở rộng kênh phân phối và củng cố sức mạnh thương hiệu.
"Chúng tôi cũng chú trọng vào chất lượng của các sản phẩm mới và sử dụng dữ liệu khách hàng thu thập được thông qua các giải pháp công nghệ để tinh chỉnh danh mục sản phẩm cho phù hợp nhất với nhu cầu của người tiêu dùng", Tổng giám đốc Vinamilk cho hay.
"Thận trọng" cũng là điều mà ban lãnh đạo CTCP Sữa quốc tế (IDP) cân nhắc khi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, công ty dự trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu năm 2023 đạt mức kỷ lục 7.141 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty dự kiến lợi nhuận giảm 4% so với kết quả đạt được năm 2022, còn 776 tỷ đồng.
Nhìn lại năm 2022, Sữa quốc tế ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.086 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước nhưng lãi sau thuế giảm nhẹ 1,6%, xuống 810 tỷ đồng.
Theo nhận định của Sữa quốc tế, thị trường sữa năm 2022 đã hồi phục do các hạn chế về COVID-19 đã được dỡ bỏ, việc sản xuất, phân phối đã quay trở lại như bình thường. Tuy nhiên, do xung đột Nga-Ukraine đã làm thiếu hụt nguồn cung toàn cầu cũng như lạm phát tăng cao bào mòn thu nhập có thể sử dụng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công ty đánh giá về xu hướng tiêu dùng, các sản phẩm sữa hữu cơ, sữa tươi tự nhiên, sữa thực vật và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa sữa tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2022-2031 tạo cơ hội cho ngành sữa tiếp tục phát triển trong những năm tới.