Mới đây thông tin Shark Thuỷ - TGĐ Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup cùng đồng phạm bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an (C03) khởi tố bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy được biết đến với tên Shark Thủy từng là một trong những khách mời "quyền lực" của chương trình Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank Việt Nam.
Ngay mùa đầu tiên, Shark Thủy trở thành cá mập chi tiền nhiều thứ 4 trong số 7 nhà đầu tư khách mời với số vốn cam kết lên tới 19,2 tỷ đồng. Tổng cộng trong 3 mùa tham gia (2017-2019), Shark Thủy đồng ý rót tiền vào 9 startup với số vốn lên tới hàng chục tỷ đồng.
Dù để lại không ít dấu ấn trên thị trường, thế nhưng hầu hết dự án nhận vốn từ Shark Thủy đều sớm nở chóng tàn. Bên cạnh vấn đề về chiến lược kinh doanh, một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án thất bại là tác động của dịch Covid-19.
Mới đây, sau khi thông tin Shark Thuỷ bị khởi tố bắt tạm giam thì những phi vụ đình đám này bất ngờ được netizen nhắc lại. Nhiều người không khỏi thắc mắc số phận của những startup này giờ ra sao.
Soya Garden
Theo đó, Start up F&B này được sáng lập bởi hai chị em Hoàng Thu Thủy và Hoàng Anh Tuấn. Trên chương trình Shark Tank, shark Thủy cam kết đầu tư 15 tỷ đồng để đổi lấy 45% cổ phần của đơn vị này với lộ trình hoàn vốn 3 năm.
Ngay sau khi được shark Thủy đầu tư, Soya Garden nhanh chóng tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng vào tháng 3/2018. Đến tháng 3/2019, con số này tăng gấp 5 lần lên thành 100 tỷ đồng, nguồn vốn này phần lớn đến từ tập đoàn Egroup của Shark Thủy. Với màn bơm vốn này, Soya Garden nhanh chóng mở rộng quy mô lên mức 50 cửa hàng tại nhiều tỉnh - thành phố lớn trên cả nước.
Tuy nhiên do hoạt động kinh doanh không hiệu quả cùng với tác động của dịch Covid-19, đến tháng 7/2021, hệ thống này chỉ còn 10 điểm (giảm 80%), trong đó tại TP.HCM đã đóng toàn bộ và tại Hà Nội còn 6 cửa hàng. Đến tháng 1/2022, theo thông tin trên website con số chỉ còn vỏn vẹn 4 cửa hàng tại Hà Nội, giảm 92% so với thời điểm có quy mô cao nhất. Đến tháng 5/2023, chuỗi này mở thêm 1 cửa hàng tại Hàng Thùng nhưng sau đó cũng dừng hoạt động. Đầu tháng 3/2024, cửa hàng cuối cùng của Soya Garden không còn xuất hiện.
Sau đó, đến năm 2020, ông Hoàng Anh Tuấn cũng rời Soya Garden, không còn là người đại diện pháp luật và CEO của Soya Garden theo đăng ký kinh doanh.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần Soya Garden hiện không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đăng ký.
We Escape được biết đến trò chơi nhập vai thực tế thoát khỏi phòng kín được ra đời đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2015. Năm 2018, startup này được biết đến nhiều hơn khi CEO Nhân Vương gọi vốn thành công 5 tỷ đồng đổi lấy 36% cổ phần từ Shark Thủy tại Shark Tank. Sau đó Shark Thủy đã thực rót vào We Escape gấp 6 lần con số cam kết, tức là 30 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ này We Escape trở thành một dự án giải trí trong hệ thống Egroup. Đến năm 2021, startup này có đến 8 cơ sở, chính thức thành hệ thống Escape Game lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên ngay trong những ngày đầu năm 2022, trên fanpage We Escape đã đăng tâm thư của CEO Nhân Vương, thông báo đóng cửa toàn bộ hệ thống do Covid-19: "Mặc dù đã ra quyết định cách đây khoảng 1 tháng nhưng mãi đến bây giờ mình mới có thể thông báo đến toàn bộ khách hàng của We Escape rằng chúng mình sẽ phải đóng cửa toàn bộ hệ thống do ảnh hưởng của Covid-19".
Ngoài ra CEO Nhân Vương cũng cho biết sau hơn 2 năm gồng gánh, We Escape đã làm hết những gì có thể, sản phẩm mới nào phải thử cũng đã thử, nhưng kết quả không được như mong muốn.
Đến tháng 3/2023, fanpage của We Escape bất ngờ công bố trở lại với tên mới là Genesis Escape.
Pema - Nhà hàng Chay
Pema là một một nhà hàng thuần chay với các món ăn được chế biến từ các loại rau củ quả thiên nhiên được cựu giáo viên Lâm Hoài đến từ Yên Bái sáng lập. Điểm nhấn đặc biệt của Pema nằm ở thực đơn gồm các vị thuốc, được chế biến từ các nguyên liệu lấy từ vùng núi cao và phỏng theo ẩm thực của người Tây Tạng.
Trên Shark Tank, chị Lâm Hoài cho biết, doanh thu của nhà hàng ở Yên Bái năm 2017 là 700 triệu đồng, lợi nhuận là 140 triệu đồng. Chị muốn tạo ra bước nhảy nên kêu gọi đầu tư 3 tỷ đồng cho 30% cổ phần.
Tuy nhiên, trong chương trình đề nghị này bị các shark từ chối, chỉ có shark Thủy đề nghị đầu tư 3 tỷ đồng cho 80% cổ phần công ty và chị Lâm Hoài đồng ý với đề nghị trên.
Nhiều người xem chương trình Shark Tank đã rất ngạc nhiên với quyết định của chị Lâm Hoài vì cho rằng 3 tỷ cho 80% là quá rẻ, nghĩa là bán công ty và chị sẽ làm thuê. Có người khác thì cho rằng quyết định của founder Pema là hợp lý. Tuy nhiên, ý kiến cho rằng 3 tỷ cho 80% rẻ và founder sẽ trở thành người làm thuê lấn át nhận định rằng thương vụ được đầu tư hợp lý.
Tuy nhiên đến tháng 11/2021, nhà hàng chay Pema tại TP Yên Bái thông báo dừng hoạt động. Facebook của nhà hàng chay Pema tại TP Hà Nội cũng không còn được cập nhật thường xuyên.
Một startup từng được shark Thuỷ rót vốn cũng từ giã cuộc chơi vì dịch bệnh là nền tảng Umbala, do ông Nguyễn Minh Thảo sáng lập.
Sau khi được shark Thuỷ đồng ý đầu tư gần 6 tỷ đồng để đổi lấy 15% cổ phần, startup này được kỳ vọng tiên phong cho trào lưu quay và chia sẻ video của giới trẻ trước TikTok. Tuy nhiên dự án nhanh chóng im hơi lặng tiếng sau sự xuất hiện của các đối thủ nước ngoài và chuyển hướng kinh doanh sang Blockchain và tiền mã hóa.
Ngoài các dự án kể trên, một số startup khác được Shark Thủy hậu thuẫn như Xe lăn đa đăng VH (cùng góp vốn với 2 nhà đầu tư khác để đổi 1 tỷ đồng cho 36% cổ phần), Magic Book (đầu tư 550.000 USD cho 30% cổ phần) cũng sớm biến mất.