Gần 30 đại biểu đại diện Công ty Nestlé tại nhiều quốc gia cùng các phóng viên, biên tập viên của cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài như Bloomberg, CNBC, Business Day, SIC Television… đã tham gia chuyến đi trong 3 ngày.
Chương trình NESCAFÉ Plan đã phân phối hơn 74,3 triệu cây giống kháng bệnh, cho năng suất cao sử dụng cho mục đích tái canh
Đây là cơ hội để Nestlé Việt Nam giới thiệu về nông nghiệp tái sinh, hoạt động gắn kết với người nông dân trồng cà phê, quy trình canh tác cà phê bền vững, cũng như các hoạt động chế biến sâu, nâng cao giá trị hạt cà phê. Chương trình này cũng nhằm góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh ngành cà phê Việt Nam cả trong và ngoài nước.
Trong chuyến đi thực tế, các phóng viên quốc tế lần lượt trải nghiệm quá trình những hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao được hình thành từ vườn ươm, đến tay người nông dân qua chương trình hỗ trợ tái canh và canh tác bền vững cây cà phê, đồng thời tham quan nhà máy chế biến cà phê công nghệ hiện đại của Nestlé, nơi sản xuất những sản phẩm từ những hạt cà phê Việt Nam dành cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Để có được nguồn cà phê chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, từ năm 2011 đến nay, công ty Nestlé Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ hàng trăm nghìn nông dân tái canh cây cà phê già cỗi, chuyển dịch sang nông nghiệp tái sinh, nâng cao thu nhập, đồng thời kết hợp các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu, nhằm tạo ra nhiều giá trị cho hạt cà phê Việt.
Sau 12 năm, thông qua Chương trình NESCAFÉ Plan được thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên, Nestlé Việt Nam đã phân phối hơn 74,3 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao sử dụng cho mục đích tái canh. Cùng với dự án, người nông dân đã giảm tới 40% - 60% lượng nước tưới cũng như giảm 20% lượng thuốc trừ sâu, phân hóa học và áp dụng kĩ thuật trồng xen canh cây cà phê và tiêu, giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, cải thiện tính đa dạng về môi trường sinh thái, và giảm phát thải ra môi trường.
Tất cả cà phê được cung ứng từ Việt Nam đạt các tiêu chuẩn 4C
Tính đến năm 2023, đã có đến 90% nông dân đã sử dụng phương pháp cây che phủ tự nhiên (trên tổng số vườn được khảo sát) và 86% vườn đa dạng hóa cây trồng với trung bình 3 loài khác nhau. Nhờ áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, thu nhập của người nông dân được cải thiện 30% đến trên 100% so với trước khi tham gia dự án. Đồng thời, tất cả cà phê được cung ứng từ Việt Nam đạt các tiêu chuẩn 4C, do Hiệp hội 4C ban hành, về canh tác cà phê bền vững dựa trên một loạt các tiêu chuẩn về kinh tế, môi trường, xã hội.)để chế biến phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến 29 thị trường trên toàn thế giới.
Trong khuôn khổ chương trình, đoàn cũng đến thăm Nhà máy Nestlé Trị An - một trong những nhà máy lớn nhất của Nestlé tại Việt Nam và cũng là một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trong khu vực của Tập đoàn. Tại đây, các phóng viên quốc tế được giới thiệu về dây chuyền sản xuất hiện đại theo quy trình tuần hoàn, đảm bảo chất lượng trong suốt chuỗi giá trị cà phê bền vững từ canh tác, thu mua, sản xuất, chế biến tới xuất khẩu, và tiêu dùng.
Bên cạnh việc tìm hiểu các nỗ lực canh tác bền vững tại các vườn cà phê, đoàn được giới thiệu về các sáng kiến bền vững thiết thực của Nestlé trong hoạt động sản xuất như các mô hình kinh tế tuần hoàn, quy trình xử lý, tái chế và tái sử dụng các chất thải từ sản xuất. Trung bình 60-65% tổng lượng nước thải/ năm tại nhà máy chế biến cà phê đã được xử lý để tái sử dụng. Không dừng ở đó, 100% bã cà phê sau sản xuất được dùng làm năng lượng sinh khối. Cát thải trong lò hơi được cung cấp cho đối tác để làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung.
Từ năm 2015, các nhà máy của Nestlé Việt Nam đã đạt mục tiêu không phát thải chôn lấp ra môi trường. Nhờ vào những nỗ lực này, Nestlé không chỉ sản xuất ra những cốc cà phê ngon từ những hạt cà phê canh tác có trách nhiệm mà còn đóng góp cho một tương lai bền vững.
Trong nhiều năm qua, cà phê Việt Nam liên tục được vinh danh và khen ngợi trên hàng loạt báo chí quốc tế uy tín. Thông qua hoạt động này, Nestlé Việt Nam mong muốn tiếp tục lan tỏa sức hấp dẫn của văn hóa cà phê Việt Nam, góp phần quảng bá hạt cà phê và ngành cà phê của đất nước trên truyền thông quốc tế.
Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê (gọi tắt là Bộ tiêu chuẩn 4C) do Hiệp hội 4C ban hành, về canh tác cà phê bền vững dựa trên một loạt các tiêu chuẩn về kinh tế, môi trường, xã hội.