Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu dầu trong vài năm gần đây, tuy nhiên lượng xuất khẩu chưa hề cao hơn nhập khẩu suốt từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Điều này có thể thay đổi từ năm sau, theo nội dung bài báo mới được Reuters đăng tải.
Tổng lượng dầu mà phía Mỹ bán cho các nước khác ước tính kỷ lục khoảng 3,4 triệu thùng/ngày, trong đó chủ yếu là các chế phẩm từ dầu như xăng hay dầu diesel. Mỹ đồng thời cũng đang là nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, tăng trưởng xuất khẩu nhiều khả năng sẽ lên mạnh trong những tháng tới.
Tuy nhiên, Mỹ tiêu thụ ước tính khoảng 20 triệu thùng dầu thô/ngày, mức độ cao nhất trên thế giới và sản lượng dầu thô của Mỹ chưa bao giờ vượt quá 13 triệu thùng dầu/ngày.
Trong tháng trước, số liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy rằng tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Mỹ giảm xuống còn 1,1 triệu thùng dầu/ngày, ngưỡng thấp nhất từ khi các số liệu này bắt đầu được tính toán vào năm 2001, con số này giảm đáng kể so với 5 năm trước đó khi mà Mỹ nhập khẩu hơn 7 triệu thùng dầu/ngày.
Những yếu tố ảnh hưởng đến cung dầu của Mỹ trong năm nay bao gồm các biện pháp trừng phạt với dầu của Nga sau khi Nga – Ukraine leo thang căng thẳng, đồng thời là việc Washington công bố xả kho dầu dự trữ chiến lược nhằm xử lý tình trạng giá xăng tăng rất cao.
“Căng thẳng Nga – Ukraine đã tạo ra nhu cầu mới cho năng lượng của Mỹ và đẩy xuất khẩu dầu lên cao trên ngưỡng nhập khẩu vào cuối năm ngoái xét đến việc sản lượng dầu đá phiến tăng lên”, chuyên gia phân tích thị trường tại quỹ nghiên cứu năng lượng Vortexa – ông Rohit Rathod phân tích.
Để có thể trở thành nước xuất khẩu ròng dầu, Mỹ sẽ cần phải tăng sản lượng hoặc giảm tiêu thụ. Nhu cầu xăng của Mỹ ước tính sẽ tăng 0,7% lên 20,51 triệu thùng/ngày vào năm sau, như vậy điều đó cũng đồng nghĩa sản lượng sẽ cần phải tăng lên.
Hiện tại, Mỹ vốn đã sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ nước nào trên thế giới kể cả Saudi Arabia và Nga. Tuy nhiên các khu vực khai thác dầu đá phiến của Mỹ đang ngày một cũ kỹ và tăng trưởng sản xuất năm nay khá trì trệ. Tổng sản lượng nói chung dự kiến đạt 12,34 triệu thùng dầu/ngày vào năm sau, tuy nhiên sản lượng này chỉ có thể đạt được nếu mức giá dầu đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp có động lực sản xuất thêm.
Các doanh nghiệp tại châu Âu đã mua gom dầu Mỹ nhằm bù lại cho sự thiếu hụt của cung dầu Nga, ngoài ra cũng bởi phía Mỹ giảm giá dầu xuống mức thấp hơn so với các loại dầu chuẩn toàn cầu. Cùng lúc đó, các doanh nghiệp châu Á cũng mua ước tính khoảng 1,75 triệu thùng dầu/ngày, theo công ty phân tích dữ liệu Kpler.
Các nhà vận hành điểm xuất khẩu dầu hiện đang cố gắng tăng cường năng lực nhằm phục vụ tốt hơn cho nhiều tàu chở dầu lớn có khả năng cung cấp hơn 2 triệu thùng dầu.
Trưởng bộ phận chiến lược tại doanh nghiệp xuất khẩu dầu lớn nhất Mỹ, ông Sean Strawbridge, nhận xét: “Cho đến nay, Nga dường như là một bên cung cấp thiếu tin cậy. Thực tế này tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất Mỹ”.
Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022, vượt qua Qatar và Australia khi mà nhu cầu tại châu Âu tăng và giá cả lên mạnh. Xuất khẩu khí đốt nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục tăng trong năm 2023 khi mà châu Âu cố gắng bù đắp bù lại cho dự trữ thiếu hụt trong mùa đông.