Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa diễn ra, cổ đông CTCP Thế giới số (Digiworld, mã DGW) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 9% và 42% so với thực hiện 2022.
Đáng chú ý, kế hoạch này không chỉ giảm so với năm ngoái mà cũng thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được hội đồng quản trị Digiworld thông qua vào cuối tháng 2/2023. Khi đó, ban lãnh đạo công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 25.100 tỷ đồng (vượt mức 1 tỷ USD) và lãi sau thuế khoảng 787 tỷ, tăng 14% và 15% so với năm 2022.
“Quay xe” trước ngưỡng cửa chạm mức doanh thu tỷ đô
Lý giải về việc xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023 có sự sụt giảm, lãnh đạo Digiworld cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2023 được xây dựng trên kịch bản thận trọng vì còn chưa biết được bối cảnh vĩ mô thế giới sẽ còn điều gì xảy ra. Nhưng chắc chắn mặt bằng lãi suất vẫn cao cho đến năm 2024 và tình hình lạm phát, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, ảnh hưởng đến các hoạt động của công ty, nhất là các mảng kinh doanh cốt lõi.
Theo đó, công ty ước tính năm 2023, doanh thu mảng laptop, máy tính bảng và điện thoại di động sẽ tăng trưởng âm.
Điều này đã bước đầu phản ánh trong kết quả kinh doanh quý 1 năm nay, khi ước tính doanh thu thuần của công ty giảm 44% so với cùng kỳ, đạt 3.960 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế giảm 63%, đạt 79 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng ghi nhận mức giảm tới 51%, đóng góp 1.094 tỷ đồng vào tổng doanh thu. Tương tự, doanh thu mảng điện thoại động giảm 51%, đạt 1.899 tỷ đồng, dù cả năm ngoái vẫn tăng trưởng 9%; mảng thiết bị văn phòng cũng quay qua giảm 8%, đạt 682 tỷ đồng.
Với nhận định sức mua có thể phục hồi vào cuối năm 2023 nhưng không đáng kể, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld cho rằng ít nhất phải đến năm 2024 công ty mới có thể tăng trưởng trở lại. “Năm 2024 sẽ là năm ghi nhận tăng trưởng của Digiworld ở những ngành hàng hiện hữu và tất nhiên sẽ có sự đóng góp của những ngành hàng mới”, ông Việt cho biết.
Tuy nhiên, sự phục hồi tăng trưởng này khó có khả năng vượt được đỉnh của hai năm 2021 -2022 khi mà nhu cầu mua máy tính và điện thoại di động tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội. Hơn nữa, lãnh đạo Digiworld cũng phải thừa nhận rằng, sản phẩm laptop hay điện thoại là sản phẩm có vòng đời lâu bền, không thể đổi nhanh được.
Thông thường vòng đời của một laptop khoảng 3 năm mà thị trường laptop đã bùng nổ vào quý 4/2021 và quý 1/2022, theo chu kỳ thì đến quý 4/2024 sẽ là thời điểm thay sản phẩm mới nhưng với điều kiện nền kinh tế ổn định, người dân có thu nhập để đổi hoặc nâng cấp sản phẩm. Tương tự, vòng đời của điện thoại cũng phải ít nhất khoảng hai năm.
Lấn sân sang ngành hàng mới, liệu có “cửa”?
Trong bối cảnh doanh thu của các mảng kinh doanh chính sụt giảm mạnh và khó có khả năng trở lại thời kỳ “hoàng kim”, nửa cuối năm 2022, Digiworld đã tăng cường mở rộng thêm các mảng kinh doanh mới, trong đó đáng chú ý là mảng gia dụng và hàng tiêu dùng.
Cụ thể, từ cuối quý 3/2022, công ty bắt đầu phân phối các sản phẩm gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, máy rửa chén từ thương hiệu Whirlpool. Tháng 12/2022 Digiworld đã chính thức trở thành nhà phân phối của AB-InBev tại thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, từ quý 2/2023, Digiworld sẽ phân phối thêm một số sản phẩm gia dụng của Westinghouse cùng một số nhãn hàng đồ uống của Lotte Chilsung Beverage.
Theo kỳ vọng của Digiworld, sự hợp tác mới sẽ giúp các ngành hàng gia dụng, bia và FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) trở thành động lực tăng trưởng của Digiworld trong thời gian tới.
Dù có sự tăng trưởng nhưng đóng góp của các mảng kinh doanh mới vào cơ cấu doanh thu của Digiworld còn khá nhỏ
Trước đó, sau khi một số “ông lớn” bán lẻ như Thế Giới Di Động (MWG) và FPT Retail (FRT) tuyên bố mở chuỗi nhà thuốc, Digiworld cũng xác nhận sẽ tham gia vào phân phối sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, đến nay khi MWG đã định hình được chuỗi 500 nhà thuốc An Khang và FRT với hơn 1.000 nhà thuốc Long Châu, cạnh tranh cùng hơn 1.100 nhà thuốc Pharmacity, thì mảng dược phẩm của Digiworld vẫn khá mờ nhạt.
Việc Digiworld liên tục đẩy mạnh mở rộng các ngành hàng mới trong thời gian gần đây cũng là vấn đề khiến các cổ đông băn khoăn và đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo về tính hiệu quả và mức độ đóng góp vào tổng doanh thu.
Trả lời những băn khoăn đó, với mảng dược phẩm, Chủ tịch Digiworld thừa nhận, mảng dược thực sự đã chậm trễ hơn khá nhiều do một số thủ tục, giấy tờ tiến hành chậm hơn dự kiến. Hiện mảng này đã hoàn thiện những công đoạn cần thiết để xin được giấy phép, bắt đầu nhập khẩu và phân phối dược phẩm. Năm nay mảng này dự kiến đóng góp khoảng 500 tỷ đồng doanh thu cho công ty.
“Ở mảng dược phẩm, hiện nay Digiworld chủ yếu làm phân phối và phát triển thị trường. Như vậy những chuỗi bán lẻ như An Khang hay Long Châu là khách hàng của chúng tôi chứ không phải đối thủ cạnh tranh”, ông Việt khẳng định.
Còn với mảng hàng gia dụng, ông Việt cho hay, quý 1/2023 mảng này ghi nhận tăng gần 160%, tuy nhiên tỷ lệ đóng góp trên tổng doanh thu vẫn còn khá ít. Nếu tính theo cả năm thì mảng này sẽ đóng góp 8-9% trên tổng doanh thu.
Trong khi đó, với mảng bia và FMCG, bà Đặng Kiện Phương, Thành viên HĐQT cho biết dự kiến tăng khoảng 157% trong năm 2023 (năm 2022 đạt 397 tỷ đồng). Còn với hai nhãn hàng mới là Westinghouse và Lotte Chilsung Beverage, bà Phương cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang chậm, sự đóng góp của mảng này so với con số 20.000 tỷ đồng kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khá khiêm tốn.
Theo Chủ tịch Digiworld để tạo nên thành công cho các ngành hàng mới, mô hình dịch vụ phát triển thị trường (Market Expansion Services – MES) của công ty đã áp dụng với những ngành hàng như máy tính, máy tính bảng, điện thoại sẽ tiếp tục được lặp lại ở những ngành hàng gia dụng, F&B,…
Có thể thấy, hiện đóng góp của các mảng kinh doanh mới vào cơ cấu doanh thu của Digiworld còn khá khiêm tốn và việc mang “công thức tỷ đô” từng giúp Digiworld thành công trong ngành hàng công nghệ nhằm áp dụng vào nhiều ngành hàng mới vẫn cần thời gian để chứng minh.
Tất nhiên, Digiworld có thể sẽ mở rộng ngành hàng theo cách khác biệt so với một số doanh nghiệp bán lẻ khác và có sự hậu thuẫn của “công thức MES” vốn đã khá thành công khi giúp công ty vươn lên top ba nhà phân phối hàng công nghệ trên thị trường và chạm mốc doanh thu tỷ đô. Song trong bối cảnh doanh nghiệp cùng ngành là Thế Giới Di Động - vốn rất “máu” thử nghiệm những mảng kinh doanh mới - đã tuyên bố ngừng thử nghiệm mảng mới, có lẽ việc Digiworld cần cẩn trọng là điều không thừa.