Để đạt được điều này, nước này có kế hoạch tiến hành nghiên cứu sâu hơn về giống cây và mở rộng diện tích trồng trọt.
Mới đây, Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan, đồng thời là điều phối viên hợp tác với Trung Quốc của Indonesia cho rằng, giá trị xuất khẩu sầu riêng tiềm năng sang Trung Quốc có thể lên tới 8 tỷ USD.
Mục tiêu này được xem là có tính khả thi cao. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Indonesia, năm 2022, Indonesia xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với giá trị lên tới 4,5 tỷ USD và năm 2023, giá trị tăng lên 6,7 tỷ USD. Trong khi đó, nhu cầu trái cây ngoại ngày càng tăng ở thị trường Trung Quốc, đặc biệt là sầu riêng, nhưng thị phần mặt hàng này của Indonesia chưa tương xứng.
Bộ trưởng Luhut cũng cho biết Chính phủ Indonesia đã triển khai nhiều biện pháp để xúc tiến kế hoạch đạt mục tiêu tăng trưởng tiềm năng này. Trong đó, Indonesia đạt thỏa thuận với Viện nghiên cứu Gene Bắc Kinh để tiến hành một nghiên cứu nhằm đảm bảo sầu riêng chất lượng cao để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Indonesia đã xây dựng khoảng 100 ha đồn điền sầu riêng ở các tỉnh Bắc Sumatra và Tây Papua, và đang có kế hoạch xây dựng thêm ở các tỉnh khác, bao gồm cả Trung Sulawesi. Đây được cho là những địa điểm đó có thể trồng cây sầu riêng để đạt tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Indonesia, năm 2023, Indonesia đã sản xuất tới 1,85 triệu tấn sầu riêng, trong đó trên 50% tổng sản lượng đến từ đảo Java. Tỉnh Đông Java là nơi sản xuất sầu riêng lớn nhất cả nước, với sản lượng lên tới hơn 480.000 tấn vào năm ngoái.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ Indonesia đã kêu gọi nông dân trong nước trồng cây sầu riêng vì loại trái cây này đã trở thành một mặt hàng có giá trị. 5 năm trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi những người trồng cây cọ dầu trên khắp cả nước đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và trồng cây sầu riêng vì ông tin rằng sầu riêng có triển vọng tốt hơn trên thị trường quốc tế so với dầu cọ thô.