Thông tin được Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (DXS – FERI) cho biết tại Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam 2024 và dự báo triển vọng 2025.
Thị trường tăng trưởng ở tất cả các chỉ số
Theo báo cáo trên, thị trường bất động sản nhà ở năm 2024 đã chính thức đi qua và dần rời xa vùng đáy khi ghi nhận sự tăng trưởng ở tất cả các chỉ số bao gồm: Nguồn cung, tỷ lệ hấp thụ, giá bán và niềm tin thị trường.
Theo báo cáo, tổng nguồn cung mới cả nước đạt khoảng 53.200 sản phẩm, tăng mạnh so với mức thấp gần 24.366 sản phẩm của năm 2023, tỷ lệ tăng 218% theo năm; trong đó, nguồn cung mới chủ yếu tập trung tại khu vực miền Bắc với 32.500 sản phẩm, tăng 496% theo năm và chiếm hơn 60% tổng nguồn cung mới cả nước.
Tại khu vực miền Trung, nguồn cung mới ước đạt 7.100 sản phẩm, tăng 916% theo năm (mức tăng cao nhất trong các khu vực).
Khu vực miền Nam, nguồn cung mới ước đạt 13.100 sản phẩm, tăng 33% theo năm. Ngược với xu hướng tăng, miền Tây ghi nhận nguồn cung mới giảm, chỉ đạt 530 sản phẩm, giảm 19% so với năm 2023 và là khu vực có nguồn cung hạn chế nhất cả nước.
Ngoài ra, nguồn cung mới kết hợp với nguồn cung sơ cấp đến từ các rổ hàng của dự án cũ đã nâng tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường đạt 86.971 sản phẩm, tăng 84% so với năm 2023.
Đáng chú ý, không chỉ nguồn cung tăng mà tỷ lệ hấp thụ chung trên tổng nguồn cung sơ cấp của toàn thị trường cũng cải thiện rõ rệt đạt mức 30-35%, tăng 125% so với năm 2023.
Trong năm, lượng giao dịch ước đạt 33.000 sản phẩm, tăng gần 20.000 sản phẩm (gấp 2,5 lần) so năm 2023; trong đó, khu vực miền Bắc có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất (trung bình đạt 45-50%), tiếp đó là khu vực Miền Nam (trung bình đạt 25-30%), khu vực miền Trung (trung bình đạt 20-25%) và khu vực miền Tây có tỷ lệ hấp thụ thấp nhất (trung bình đạt 10-15%).
“Tỷ lệ hấp thụ tăng dần qua các quý, tương đồng với nhịp phục hồi của thị trường, trong đó riêng miền Bắc ghi nhận quý IV có tỷ lệ hấp thụ giảm nhẹ so với quý III”, báo cáo cho biết.
Giá tăng ở hầu hết các phân khúc
Về giá bán, báo cáo cho biết, xu hướng chủ đạo là tăng ở hầu hết các loại hình sản phẩm và các vùng thị trường.
Cụ thể, loại hình căn hộ ghi nhận tỷ lệ tăng giá ở tất cả các khu vực trên cả nước, trong đó: Khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận có mức tăng cao nhất, lên đến 40-55% theo năm; tiếp đó là thị trường miền Trung với mức tăng từ 20-25%; khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận có mức tăng từ 10-20% và khu vực miền Tây tăng 2-3% theo năm.
Đối với loại hình nhà phố, biệt thự, shophouse và đất nền, ngoại trừ khu vực miền Tây mức giá ổn định theo năm thì các khu vực còn lại đều có xu hướng tăng, mức tăng phổ biến trong khoảng 3-10%.
Đáng chú ý, tại phân khúc căn hộ, mặc dù xảy ra diễn biến trái ngược về nguồn cung mới khi nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội tăng mạnh (tăng 293% theo năm) ước đạt 22.331 sản phẩm, trong khi nguồn cung căn hộ mới tại TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 6.429 sản phẩm (giảm 21% so với năm 2023) nhưng tỷ lệ hấp thụ và giá bán đều tăng mạnh.
Tỷ lệ hấp thụ căn hộ tăng 2,5 lần so với năm 2023 ở cả 2 thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ hấp thụ tại thị trường Hà Nội đạt 75-80% và thị trường TP. Hồ Chí Minh đạt 50-55%. Ở một số dự án mới, ghi nhận tỷ lệ hấp thụ lên đến trên 90%.
Về giá bán, thị trường căn hộ Hà Nội ghi nhận tỷ lệ tăng giá cao hơn thị trường TP. Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm 2024, giá bán căn hộ tại thị trường Hà Nội đã tiệm cận mặt bằng giá tại TP. Hồ Chí Minh, thậm chí vượt qua mặt bằng giá tại TP. Hồ Chí Minh ở một số phân khúc.
Cụ thể: Căn hộ phân khúc A+: Tại thị trường Hà Nội giá từ 200-250 triệu/m2, tăng 30-40% theo năm, trong khi thị trường TP. Hồ Chí Minh có mức giá từ 300-400 triệu/m2, tăng 20-30% theo năm.
“Sự tăng trưởng tốt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, một phần đến từ tâm lý muốn đầu tư tại các thành phố lớn, có tính thanh khoản cao thay vì đầu tư dàn trải như giai đoạn trước, một phần đến từ tâm lý sợ giá bán tăng cao nên tranh thủ mua vào ở vùng giá “chấp nhận được” của khách hàng”, báo cáo nhận định.