Theo thời gian, cá tra không ngừng phát triển ở Đồng Tháp, sản phẩm từ loài cá này xuất khẩu sang nhiều quốc gia, mang về nghìn tỷ đồng cho tỉnh Đồng Tháp.
Thủ phủ cá tra
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồng Ngự Huỳnh Tú Linh, năm 1998 cá tra trở thành hàng hoá xuất khẩu - bắt đầu hành trình từ “ao làng” vươn ra thị trường thế giới. Vì nhu cầu nuôi cá tra ngày càng nhiều nên nguồn giống trong tự nhiên không đáp ứng đủ yêu cầu. Nhờ ứng dụng tiến bộ của khoa học, người dân Hồng Ngự đã cho sinh sản cá tra giống nhân tạo - đáp ứng yêu cầu con giống cho cả miền Tây Nam bộ.
Đến nay, sản phẩm cá tra xuất khẩu sang hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ đó, Hồng Ngự trở thành “cái nôi” của nghề nuôi cá tra. “Cá tra được xem là ngư vật của vùng Hồng Ngự. Người dân Hồng Ngự tự hào là vùng khởi thủy, phát tích nghề nuôi cá tra” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồng Ngự Huỳnh Tú Linh cho biết.
Ông Lê Hoàng Nam ngụ phường An Bình A, thành phố Hồng Ngự có thâm niên với nghề nuôi cá tra hơn 20 năm, ban đầu ông nuôi cá tra giống rồi sau này chuyển sang nuôi cá tra thịt. Với hiệu quả kinh tế mang lại, từ 2 ha nuôi cá tra thương phẩm, ông phát triển diện tích nuôi loài cá da trơn này lên 6,5 ha. Con cá tra đã giúp đời sống kinh tế gia đình ông khấm khá.
Ông Lê Hoàng Nam đánh giá, con cá tra phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước ở vùng Hồng Ngự. Vì vậy, có thể nuôi tăng đàn với mật độ cao, mang lại năng suất tốt. So với các loại vật nuôi khác, cá tra mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, thị trường tiêu thụ cá tra rộng lớn với nhiều nước trên thế giới nên nghề nuôi cá tra còn nhiều cơ hội phát triển.
Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Hồng Ngự Dương Phú Xuân cho hay, người dân Hồng Ngự nuôi cá từ lâu đời, có người thâm niên vài chục năm nên trình độ, kỹ thuật nuôi cá rất tốt. Hiện, người dân cũng có nhu cầu mở rộng diện tích, địa phương sẽ hỗ trợ, bổ sung thêm quy hoạch vùng nuôi cá tra; phối hợp với các viện, trường để tổ chức những lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho người nuôi cá tra.
Trong 4 ngành hàng nông nghiệp chủ lực của thành phố Hồng Ngự, cùng với lúa, cây ăn quả và lươn thì cá tra được xác định là ngành hàng quan trọng. Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Hồng Ngự Dương Phú Xuân thông tin, đến nay, tổng diện tích nuôi cá tra nguyên liệu trên địa bàn thành phố hơn 177 ha (tập trung chủ yếu ven kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, kênh Tân Thành - Lò Gạch), sản lượng đạt từ 60.000 - 65.000 tấn/năm. Diện tích nuôi cá tra giống khoảng 200ha. Ngành cá tra có đóng góp tỉ trọng lớn vào nền kinh tế địa phương.
Nhằm quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra; giới thiệu hình ảnh đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm từ cá tra; để các doanh nghiệp, đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng, trong hai ngày từ 16-17/12, tại thành phố Hồng Ngự - thủ phủ cá tra, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ hội cá tra lần thứ I với chủ đề “Vươn ra biển lớn”.
Vươn ra biển lớn
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá (Thanh Bình, Đồng Tháp). Ảnh: Văn Trí/TTXVN
Khởi nguồn từ vùng Hồng Ngự, theo thời gian, dù phải trải qua không ít thăng trầm nhưng nghề nuôi cá tra vẫn phát triển ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. Loài cá này không chỉ mang lại những giá trị kinh tế cho địa phương mà còn góp phần tạo ra chuỗi ngành nghề liên quan, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động Đồng Tháp. Hiện nay, diện tích nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp hơn 2.200 ha, sản lượng trên 451.000 tấn. Vùng nuôi tập trung chủ yếu tại Hồng Ngự, Châu Thành, Cao Lãnh, Thanh Bình…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, mục tiêu chung của ngành hàng cá tra Đồng Tháp là phát triển ngành hàng này bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đến nay, Đồng Tháp có gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện vùng nuôi; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế. Nhiều vùng nuôi cá tra sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC. Chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất cá tra ở Đồng Tháp phát triển tương đối bài bản và khép kín. Toàn tỉnh hiện có 2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 1 hội quán hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ ngành hàng cá tra. Nhiều hộ nuôi cá tra có hợp đồng liên kết hoặc nuôi gia công cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản.
Hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra đã được cải thiện đáng kể, quản lý chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 22 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, tổng công suất thiết kế hơn 467 tấn thành phẩm/năm. Một số doanh nghiệp ở Đồng Tháp góp phần làm nên “tên tuổi” con cá tra như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên chế biến thủy sản Hoàng Long, Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang…
Hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế.
Đến nay, sản phẩm cá tra của Đồng Tháp đã có mặt ở hơn 130 quốc gia; trong đó có các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia. Năm 2022, tỉnh Đồng Tháp có giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 13.039 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2021, trong đó, ngành hàng cá tra đóng góp 8.889 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2021 (tương ứng tăng 333 tỷ đồng).
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đang phấn đấu phát triển diện tích nuôi cá tra đến năm 2025 là 2.450 ha, với sản lượng 555.000 tấn, tương đương giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 9.046,5 tỷ đồng, chiếm 17,2% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thuỷ sản (tăng 0,38% so với năm 2020). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 980 triệu USD. Có trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền.
Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định. Môi trường nuôi cá tra tiếp tục được giám sát chặt chẽ và phấn đấu có 60% diện tích vùng nuôi có hệ thống xử lý nước thải, bùn thải; 100% nguồn nước cấp trên dòng sông chính được quan trắc thường xuyên theo quy định.