Vào sáng 1/8, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm hơn 3% trong thời gian ngắn, xuống dưới mốc 38.000 điểm, do các nhà xuất khẩu chịu tác động từ việc đồng yen tiếp tục tăng giá lên mức 148 yen/USD.
Vào lúc 11 giờ sáng ngày 1/8, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 giảm 1.202,89 điểm, hay 3,08%, xuống 37.898,93 điểm. Chỉ số Topix rộng hơn giảm 100,28 điểm, hay 3,59%, xuống 2.693,98 điểm.
Các cổ phiếu mở cửa giảm giá mạnh và tiếp tục giảm cùng với sự tăng giá của đồng yen, với mọi lĩnh vực đều giảm theo xu hướng chung.
Ngoài lo ngại các nhà sản xuất ô tô và điện tử có lợi nhuận ở nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng khi hồi hương do đồng yen đắt hơn, cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trước nguy cơ lãi suất tăng sẽ dẫn đến lãi suất thế chấp cao hơn và làm giảm nhu cầu nhà ở.
Nhà phân tích thị trường chứng khoán cấp cao tại Tokai Tokyo Intelligence Laboratory Co., Makoto Sengoku, cho biết sự sụt giảm của giá cổ phiếu sẽ "diễn ra trong thời gian ngắn" và ông hy vọng sự tăng giá của đồng yen sẽ chậm lại vì hoạt động mua vào có khả năng sẽ dừng lại ở mức khoảng 150 yen/USD.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng thị trường chứng khoán có thể sẽ không có định hướng trong một thời gian khi các nhà đầu tư chờ đợi thêm những định hướng chính sách tiền tệ của Mỹ và Nhật Bản cũng như diễn biến trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Nhật Bản tại Nomura Securities, Yunosuke Ikeda, cho hay cổ phiếu tài chính tăng trong khi các lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn như ô tô và bất động sản tương đối yếu khi thị trường đóng cửa.
Ông kỳ vọng cổ phiếu của các công ty Nhật Bản sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ngay cả khi giá giảm, lưu ý đến hiệu suất doanh nghiệp mạnh mẽ và nền kinh tế Trung Quốc không mấy sáng sủa.
Cổ phiếu công nghệ tăng nhẹ, khi Mỹ được cho là đang cân nhắc miễn cho Nhật Bản khỏi quy định mới nhằm ngăn chặn xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc.
Trong khi đó, đồng yen tăng lên mức cao nhất trong bốn tháng so với đồng USD, do động lực mua vào mạnh sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda phát tín hiệu vào ngày 31/7 về khả năng tăng lãi suất thêm, trong thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ được cho là đang tiến gần đến việc hạ lãi suất vào tháng 9 tới.
Đồng yen đã tăng vọt trong tháng qua từ 161 yen/USD vào đầu tháng 7/2024, do dự báo về khả năng BoJ tăng lãi suất trước cuộc họp chính sách mới nhất và sự thận trọng về khả năng can thiệp mua yen của Chính phủ Nhật Bản để ngăn chặn sự sụt giảm quá mức của đồng yen.
Vào trưa ngày 31/7, 1 USD đổi 149,77-78 yen, so với 149,91-150,01 yen tại New York và vào lúc 5 giờ chiều ở mức 150,90-92 yen tại Tokyo.
Đồng yen tăng giá lên mức cao nhất trong bốn tháng so với đồng USD vào ngày 31/7 sau khi Thống đốc BoJ để ngỏ khả năng tăng lãi suất trong tương lai.
Đồng tiền của Nhật Bản đã chạm mức 149 yên so với USD trong phiên giao dịch tại New York, vượt qua ngưỡng 150 yen lần đầu tiên kể từ ngày 19/3.
Chiến lược gia ngoại hối trưởng tại Sumitomo Mitsui Banking Corp., Hirofumi Suzuki, dự báo đồng yen sẽ có khả năng tăng giá trước khi các nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố vào ngày 2/8.
Trước đó trong ngày, kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, BoJ đã quyết định tăng lãi suất lên khoảng 0,25% và sẽ giảm một nửa lượng mua trái phiếu chính phủ (JGB) hàng tháng xuống còn khoảng 3.000 tỷ yen (19,5 tỷ USD) vào quý đầu tiên của năm 2026. Điều này phù hợp với dự đoán của thị trường.
Vào tháng 3/2024, BoJ đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 8 năm, nâng lãi suất chính sách lên mức 0-0,1%. Tuy nhiên, tại cuộc họp vào tháng trước, BoJ khiến thị trường thất vọng sau quyết định giữ nguyên lãi suất và cho biết sẽ cắt giảm lượng mua JGB.
Chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách Hàn Quốc và Nhật Bản tại ING, Min Joo Kang, cho rằng phát biểu của Thống đốc Ueda khá cứng rắn, nhưng khá cởi mở với việc tiếp tục tăng lãi suất, tuyên bố BoJ sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa nếu tăng trưởng và lạm phát diễn biến theo dự báo.
Bà cho biết, thời điểm tăng lãi suất lần tiếp theo vẫn chưa chắc chắn, lưu ý rằng ông Ueda cho hay BoJ sẽ theo dõi tác động của việc tăng lãi suất.
Hiện tại, bà tin rằng việc tăng lãi suất vào tháng 10 tới là kịch bản có khả năng xảy ra nhất, mặc dù điều này có thể bị trì hoãn đến tháng 12. Bà cho biết ngay cả khi BoJ tăng lãi suất lên 0,25%, lãi suất thực tế vẫn sẽ là âm, điều sẽ hỗ trợ việc bình thường hóa chính sách của BoJ.
Dự báo lạm phát trong báo cáo triển vọng của BoJ cao hơn mục tiêu 2% cho cả tài khóa 2024 và 2025, báo hiệu khả năng tiếp tục tăng lãi suất.