Do gặp khó khăn đơn hàng, rất nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã cho công nhân nghỉ việc. Mới đây, Công ty Pou Yuen đã phải giải thể một số dây chuyền sản xuất do không thể đảm bảo đơn hàng. Hiện nay, khi tình hình sản xuất của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế, số lượng nhân sự giảm lên đến hàng ngàn người.
Tương tự, Công ty TNHH An Giang SAMHO đang lên phương án hỗ trợ cho khoảng 5.300 công nhân đã và sẽ bị mất việc làm. Thời gian qua, số lượng đơn hàng sụt giảm, đã khiến công ty lâm cảnh khó khăn, thu hẹp sản xuất và bố trí lại lao động.
Cũng giống như tại An Giang, nhiều tháng vừa qua, không ít doanh nghiệp tại Bình Dương đang hoạt động chỉ từ 30-50% công suất. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có đến 28.000 lao động bị nghỉ việc không lương, 240.000 lao động bị giảm giờ làm. Đây là địa phương có tỷ lệ công nhân mất việc nhiều nhất hiện nay.
Tại TP.HCM, ngày 6/11 Công đoàn các Khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM cho biết, 51 doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị giảm đơn hàng và có 6.000 công nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Nhóm đơn hàng bị ảnh hưởng nặng nhất tập trung vào các ngành hàng như: nữ trang, thời trang cao cấp (quần áo, da giày có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới), gỗ...
Cũng mới đây, hai công ty hoạt động trong lĩnh vực dệt may - giày da thông báo dự kiến cắt giảm hàng ngàn lao động. Cụ thể, Công ty TNHH Tỷ Hùng (P.An Lạc, Q.Bình Tân; có tổng số 1.822 người lao động) đã thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185 người lao động.
Tiếp theo là Công ty TNHH Việt Nam Samho (xã Trung An, huyện Củ Chi; có tổng số 8.733 người lao động) dự kiến giảm hơn 1.400 công nhân. Lý do được nêu ra là vì công ty thiếu đơn hàng, khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ghi nhận cho thấy, trước đến nay, bất động sản KCN được xem là phân khúc “ngược sóng” thị trường bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất mở rộng liên tục đã tạo nên thị trường bất động sản nhà ở cho chuyên gia và công nhân sôi động”. Nhiều “thủ phủ” công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Thái Nguyên, Hưng Yên…liên tục đón các dự án bất động sản ăn theo các cụm công nghiệp, khu công nghiệp mới.
Trong giai đoạn 2021-2022, giá bất động sản công nghiệp ghi nhận tăng mạnh từ 15-25%. Thậm chí mức tăng vẫn duy trì cao ở giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên đến năm 2023, chuyên gia dự báo thị trường bất động sản KCN có thể trầm lắng do các điều kiện kinh tế kém khả quan cả về yếu tố nội tại lẫn bên ngoài.
Kết quả kinh doanh quý 4/2022 các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp niêm yết ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng, cho thấy dấu hiệu giảm tốc và sự chững lại của nền kinh tế chung.
Dự báo tình hình khó khăn vẫn tiếp diễn. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS), nửa đầu năm nay, quá trình xúc tiến đầu tư có thể bị trì hoãn trong bối cảnh nền kinh tế chung toàn cầu vẫn chưa thật sự khởi sắc, cùng tác động tiêu cực đến doanh số bán hàng của các nhà phát triển KCN.
Phần lớn doanh số trong giai đoạn này sẽ phụ thuộc vào các hợp đồng được ký kết từ trước nhưng chưa đủ điều kiện ghi nhận trong năm 2022, cũng như từ nguồn doanh thu chưa thực hiện phân bổ định kỳ đối với các doanh nghiệp chọn cách ghi nhận phân bổ doanh thu.
Trong ngắn hạn, nguồn cung đất khu công nghiệp khó chuyển biến tích cực. Theo đó, giá cho thuê vẫn còn dư địa tăng nhưng trong biên độ hẹp thời gian tới. Mức giá cho thuê sẽ chỉ tăng tại vài khu vực trọng điểm kinh tế có quỹ đất lớn với thế mạnh về cơ sở hạ tầng, và các lợi thế để phát triển mạnh hoạt động KCN như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng,...
Thời gian tới, các nhà phát triển cũng phải đối mặt với một số rủi ro hiện hữu. Trong đó, chi phí đền bù tăng mạnh thu hẹp biên lợi nhuận của các dự án mở mới trong dài hạn do không còn lợi thế quỹ đất giá rẻ.
Ngoài ra đối với các dự án mở mới đầu tư cũng sẽ gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng do sự ảnh hưởng của việc tranh chấp pháp lý với các hộ dân nằm trong dự án, từ đó cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đầu tư dự án.