CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC – mã VEF) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với doanh thu thuần chưa đến 4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt gần 800 triệu đồng, khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động tài chính tiếp tục là trụ cột gánh lợi nhuận của doanh nghiệp này. Trong quý 3, doanh thu tài chính (lãi từ cho vay, đầu tư) đạt 129 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ 2023. Chi phí tài chính cũng phát sinh hơn 11,5 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí vận hành, VEFAC lãi ròng 84,6 tỷ đồng trong quý 3/2024, giảm 27% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 264,4 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
VEFAC được biết đến là chủ đầu tư Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia - dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, thay thế cho Trung tâm Triển lãm cũ tại Giảng Võ. Với tổng quy mô lên tới 90ha, thuộc Top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới, Tổ hợp được dự báo sẽ là "kỳ quan mới" của Thủ Đô.
VEFAC là công ty con do Vingroup (mã VIC) sở hữu đến hơn 83% vốn. Ngoài việc là chủ dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Cổ Loa, VEFAC còn đang triển khai dự án là Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (Vinhomes Global Gate) với tổng vốn đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng.
Việc triển khai các dự án có lớn đẩy quy mô của VEFAC tăng vọt trong quý 3 vừa qua. Thời điểm 30/9, tổng tài sản của doanh nghiệp này lên đến gần 35.600 tỷ đồng, gấp 3,6 lần đầu năm và tăng gần 24.600 tỷ đồng (~1 tỷ USD) so với cuối quý 2 trước đó. Tài sản gia tăng chủ yếu đến từ tồn kho và các khoản phải thu.
Thời điểm cuối quý 3, tồn kho của VEFAC lên đến gần 22.000 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản và tăng hơn 20.000 tỷ so với đầu năm. Tồn kho nằm dưới dạng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, là các khoản chi phí liên quan đến việc thực hiện đầu tư dự án Vinhomes Global Gate, chủ yếu là tiền đất phải nộp theo các thông báo nộp tiền đất của cơ quan quản lý Nhà nước.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng vọt hơn 7.000 tỷ so với đầu năm, lên gần 11.600 tỷ đồng vào cuối quý 3. Sự gia tăng chủ yếu đến từ khoản phải thu đối với bên liên quan, cụ thể là Vinhomes (mã VHM). Theo nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn vản mới đây, VEFAC hợp tác cùng Vinhomes thực hiện dự án khu đô thị mới Vinhomes Global Gate, trong đó VEFAC sẽ được hưởng 95% toàn bộ lợi ích thu được từ dự án còn Vinhomes được hưởng 5%.
Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của VEFAC cũng tăng vọt sau quý 3 vừa qua, lên đến hơn 32.200 tỷ đồng, gấp gần 5 lần đầu năm và gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, khoản người mua trả tiền trước phát sinh gần 12.200 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn khác tăng gấp 2,3 lần lên hơn 14.000 tỷ đồng.