Sáng 23/4, Công ty CP Vincom Retail (mã VRE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024.
Năm 2024, Vincom Retail đặt kế hoạch doanh thu thuần 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.420 tỷ đồng, tăng nhẹ so kết quả thực hiện năm 2023. Doanh nghiệp đặt mục tiêu sẽ khai trương 6 trung tâm thương mại (TTTM) mới, bao gồm 2 TTTM Vincom Mega Mall và 4 TTTM Vincom Plaza, với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ khoảng 171.000 m2, nâng tổng số TTTM lên 89 TTTM tại 48/63 tỉnh thành tới cuối năm 2024, giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường bất động sản bán lẻ tại Việt Nam về quy mô và độ phủ.
Trong các năm tới, Vincom Retail định hướng phát triển các TTTM Vincom Mega Mall nằm trong các đại dự án với lượng dân cư lớn. Đây là sản phẩm tạo động lực tăng trưởng cho công ty trong tương lai.
Vincom Retail cũng hướng đến việc phát triển mô hình du lịch kết hợp mua sắm.
Trước đó, năm 2023, Vincom Retail ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục kể từ khi thành lập. Theo đó, doanh thu đạt 9.791 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.409 tỷ đồng, tăng lần lượt 33% và 59% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết ngày 31/12/2023, Vincom Retail khai thác và vận hành hệ thống 83 TTTM thương hiệu Vincom trên cả nước, hiện diện tại 44 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ 1,75 triệu m2. Vincom Retail luôn tiên phong kiến tạo xu hướng trải nghiệm mới cho khách hàng trong từng sản phẩm TTTM, đặc biệt là mô hình Life-Design Mall độc đáo. Đây cũng là lý do để các thương hiệu lớn quốc tế tiếp tục lựa chọn TTTM Vincom là điểm ra mắt đầu tiên tại Việt Nam.
Trước câu hỏi của cổ đông về lợi thế của Vincom Retail, kế hoạch phát triển TTTM năm 2024, bà Phạm Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Vincom Retail cho biết, quý I đã tập trung chạy thuê cho các TTTM dự kiến mới mở và tỷ lệ lấp đầy khá tốt. Tỷ lệ lấp đầy dự kiến sẽ tăng khi khai trương chính thức.
Bà Trần Mai Hoa, Phó chủ tịch HĐQT cho biết, chiến lược cơ bản đồng nhất xuyên suốt quá trình hoạt động 8 năm qua, năm nay làm rõ hơn về kế hoạch triển khai của ban điều hành. Với dự án của Vincom Retail đã thông tin ra thị trường, tổng diện tích mặt sàn bán lẻ trong trung và dài hạn không thay đổi, sẽ rà soát tiến độ triển khai hàng năm, và đây sẽ là kim chỉ nam cho VRE.
Trong các dự án VRE đã đặt cọc với chủ đầu tư Vingroup và Vinhomes vẫn giữ nguyên, những lợi ích của các dự án đã đặt cọc. Vingroup vẫn tiếp tục song hành, VRE và Vingroup có hợp đồng vận hành trong thời gian tới để củng cố bộ máy quản trị của công ty.
Các chiến lược phát triển sản phẩm, đẩy mạnh hoàn thiện mô hình Mega Mall, Mega Mall sẽ chiếm khối lượng lớn TTTM dự kiến khai trương.
Cổ đông cho biết, đầu năm nay, một số khách thuê vì tình hình kinh tế khó khăn và tài chính khó khăn đã đóng cửa các cửa hàng trong TTTM, nếu tình hình này tiếp tục, chiến lược của Vincom Retail để bù đắp những khách hàng này như nào. Theo bà Hiền, mức độ hồi phục của thị trường bán lẻ phụ thuộc vào bối cảnh chung của nền kinh tế, hiện khách hàng vẫn hạn chế chi tiêu, doanh thu của khách thuê bị giảm không chỉ riêng hệ thống Vincom, tỷ lệ lấp đầy 2024 theo dự kiến của chúng tôi vẫn tăng vì TTTM mới tỷ lệ lấp đầy cao, tiếp tục cho thuê 83 TTTM hiện hữu, vẫn có khách thuê thanh lý nhưng thấp hơn 2023. Tốc độ chạy thuê quý III, IV sẽ tăng lên.
Về xu hướng bán lẻ tương lai, bà Hoa cho biết, việc giao hàng hiện nay là cơ hội để cho các thành phố lớn giao hàng tiếp cận hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ khách lớn bán lẻ chuyên nghiệp tham gia doanh số nền tảng online ở mức độ không cao, online hỗ trợ tích cực cho các khách bán lẻ đại trà. Các chi phí cho nền tảng bán hàng online không rẻ, có thể lên đến 35% chi phí bán hàng. Đây có thể là yếu tố để các khách thuê tại các TTTM đánh giá về hiệu quả của kênh bán hàng này.
“Nhiều năm vừa qua tôi nhận được câu hỏi như này của các nhà đầu tư, cổ đông. Thói quen mua sắm của người dân, cảm giác được trải nghiệm tại TTTM, sự tiện lợi khi cả gia đình có thể mua sắm tại TTTM ngay dưới chân toà nhà của mình hoặc các buổi cuối tuần, gia đình mua sắm, chơi, ăn ở các TTTM. Các nhà bán lẻ vẫn đang đầu tư phát triển mở rộng cửa hàng của mình. Báo cáo CBRE mới đây cho biết các nhà bán lẻ vẫn có kế hoạch đầu tư mở mới trong năm 2024-2025”, bà Hoa nói.
Trước câu hỏi của cổ đông về nhóm cổ đông chiến lược mới có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, dự kiến tương lai nhóm cổ đông này đóng góp hoạt động kinh doanh của Vincom Retail như thế nào, bà Trần Mai Hoa, Phó chủ tịch HĐQT nói: “Các cổ đông mới có kinh nghiệm bán lẻ và đã thành công với mô hình bán lẻ. Việc phát triển Mall, quan trọng là sự tham gia của các nhà bán lẻ, do đó tôi tin rằng nhóm cổ đông sẽ có kinh nghiệm về bán lẻ và điều hành tại HĐQT. Tôi tin tưởng chúng tôi có thêm sức mạnh, kinh nghiệm từ nhóm cổ đông chiến lược mới”.
Thông tin thêm về kết quả kinh doanh quý I/2024, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Tài chính VRE cho biết, doanh thu quý I/2024 hơn 2.250 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2023, nhờ việc quý I có bàn giao một số căn shop house tại Đông Hà (Quảng Trị), lợi nhuận sau thuế hơn 1.080 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 24-25% kế hoạch năm trình ĐHĐCĐ.
Cũng theo bà Hà, Vincom Retail cần hơn 10.000 tỷ phát triển lưới dự án.
Cổ đông đặt câu hỏi, Vincom Retail có lộ trình đổi tên, bỏ chữ “Vin” đi không, bà Hoa cho biết, thương hiệu Vincom là thương hiệu TTTM đầu tiên của người Việt làm cho người dân Việt Nam và đặc biệt người dân Hà Nội 20 năm. Cái tên này cũng là niềm tự hào, có sự khổ tận cam lai để phát triển thương hiệu này.
“Cảm xúc về thương hiệu kể từ Vincom Bà Triệu mở cửa khai trương, 20 năm trải qua nhiều thăng trầm. Thương hiệu Vincom có giữ được chữ Vin hay không sẽ là sự thoả thuận thay đổi giữa ban lãnh đạo, HĐTV”, bà Hoa nói.
Bà Hiền khẳng định, cho tới thời điểm hiện tại Vincom không có ý định đổi tên vì đối với người tiêu dùng, Vincom là thương hiệu có giá trị cao...