Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá nhà đất, chung cư liên tục tăng mạnh trong năm 2024, đặc biệt tại Hà Nội. Nhiều phiên đấu giá đất ở huyện ven có giá trúng lên tới hàng trăm triệu đồng một m2, cao hơn nhiều lần mức khởi điểm, ảnh hưởng phát triển lành mạnh của thị trường.
Trong cuộc họp báo thường kỳ quý III/2024, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Tài chính cho biết, Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình với đề xuất đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất của Bộ Xây dựng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Chi cũng khẳng định rằng, mục tiêu hạn chế tình trạng đầu cơ và ổn định thị trường sẽ khó lòng được thực hiện, nếu chỉ dựa vào chính sách thuế. Thay vào đó, hệ thống chính sách cần có sự đồng bộ giữa các quy định về đất đai, quy hoạch…
Đưa ra nhận định về đề xuất đánh thuế bất động sản, ThS. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản cho biết, môt trong những nguyên nhân khiến giá nhà, đất leo thang là hiện tượng đầu cơ, găm giữ với tư duy “không gì giàu bằng buôn đất”.
"Nhu cầu đầu tư của người dân là chính đáng nhưng khi hiện tượng này ở mức độ cao, trở thành đầu cơ, găm giữ nhà, đất đã làm méo mó thị trường, gây hoang hóa đất đai, làm lãng phí nguồn lực", ông Đỉnh cho hay.
ThS. Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, một giải pháp khác nhất định phải được triển khai trong tương lai gần là đánh thuế bất động sản để chống đầu cơ.
Vị này cho biết, trước đây, TP.HCM đề xuất đánh thuế với người sở hữu nhiều nhà, đất để chống đầu cơ trong Nghị quyết của Quốc hội về chính sách đặc thù cho TP nhưng không được thông qua, do việc đánh thuế cần đảm bảo tính đồng bộ giữa các địa phương trong cả nước.
"Một yếu tố quan trọng là cần có cơ sở dữ liệu để đánh thuế, để đảm bảo đánh thuế đúng đối tượng, phát huy hiệu quả của chính sách thuế. Thời điểm này, việc xác định chính xác bất động sản này thuộc sở hữu của ai vẫn chưa được giải quyết do chưa đầy đủ cơ sở dữ liệu và do hiện tượng nhờ người đứng tên tài sản", ông Đỉnh cho hay.
Tuy nhiên, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số. Các luật đất đai, nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới cũng đề cập đến xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản; các cơ quan cũng đẩy mạnh đánh số nhà. Nếu triển khai có hiệu quả, trong tương lai gần có thể xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đáng tin cậy. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để thực thi luật thuế bất động sản sau khi được thông qua.
Ông Đỉnh nhấn mạnh: "Nếu bất động sản phải chịu thuế, nếu thu thập được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà đất để “quy chủ” được, xem tài sản này chính xác là của ai thì hiện tượng đầu cơ bất động sản sẽ gần như bị ngăn chặn".
Trước đó, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lên và chủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.
VARS cũng đề nghị, trường hợp chủ sở hữu không xây dựng dự án sau khi nhận đất cũng phải chịu thuế bỏ hoang bất động sản.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, hiện hệ thống pháp luật chưa có chế tài kiểm soát, ngăn chặn hoạt động đầu cơ, găm đất nhằm đẩy giá. Trong khi tình trạng mua bán, sang tay không được kiểm soát là nguyên nhân chính dẫn đến "sốt đất" tại nhiều địa phương. Nhà đầu cơ mua đất rồi bỏ hoang chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả diễn ra phổ biến, mục đích đều là "đẩy giá kiếm lời".
"Việc nghiên cứu áp thuế bất động sản là cấp bách để điều tiết thị trường. Không vì thấy khó ban hành mà bỏ qua chính sách này", ông Đính cho biết.
Việc điều tiết thị trường thông qua chính sách thuế bất động sản, theo Chủ tịch VARS sẽ giảm bớt đầu cơ, kiềm chế đà tăng giá nhà đất. Chính sách này cũng khuyến khích chủ sở hữu dự án bỏ hoang cho thuê hoặc bán, tăng thêm nguồn cung ra thị trường.