Dự thảo của Bộ Tài chính về việc đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản có từ năm 2017, mặc dù đã được bàn đi bàn lại, cùng với nhiều ý kiến đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia nhưng đều dừng lại.
Mới đây trong Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ gửi lên Quốc hội đầu tháng 10/2022 có nội dung mới quy định mức thuế cao hơn đối với người có nhiều nhà, đất. Điều này cho thấy sự quyết tâm của các ban, ngành trong việc đánh thuế, hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở đề xuất như trước.
Câu chuyện có lẽ chẳng phải đặt lên “bàn cân” nếu như đất đai, bất động sản không bị đầu cơ, thổi giá, nhiều dự án đắp chiếu bỏ hoang hàng chục năm. Trong khi người dân không có đất sản xuất kinh doanh, người nghèo không có nhà ở, thì một bộ phận đang có trong tay rất nhiều đất đai, bất động sản… Điều này sẽ gây mất cân bằng cho thị trường, khiến thị trường luôn luôn bị chênh lệch cung – cầu.
Chỉ kể sơ sơ, ngay ngoại thành Hà Nội đã có hàng chục dự án bỏ hoang tại Mê Linh, Hoài Đức… Điều đáng ngạc nhiên là nhiều dự án ở đây mặc dù đã xây dựng xong nhưng không có người ở. Hoặc các dự án chưa xây dựng xong nhưng cũng đã phân lô bán nền, các mảnh đất đều có chủ.
Trước đó, chia sẻ với MarketTimes, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam cho biết, hiện tượng các khu đô thị bỏ hoang chủ yếu là do đầu cơ đất đai, mua đi bán lại nhiều lần chứ không xuất phát từ nhu cầu thật. Điều này khiến giá bất động sản bị đẩy lên cao.
Thực tế hiện nay, nhiều dự án bị rà soát lại pháp lý, cùng với nhiều dự án bỏ hoang khiến quỹ đất để xây nhà thiếu trầm trọng dẫn đến nguồn cung “hụt hơi”, chênh lệch cung – cầu lớn, giá nhà đất lại càng bị đẩy lên cao.
Đánh giá về việc Chính phủ gửi tờ trình đến Quốc hội đề xuất quy định mức thuế cao hơn đối với người có nhiều nhà đất, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc đánh thuế đối với người có nhiều nhà, người có đất, nhà ở không đưa vào sử dụng sẽ tạo áp lực buộc người sở hữu phải tính toán là có đủ sức để găm giữ hay không. Nếu không đủ nguồn lực, thì phải đưa vào sử dụng, cho thuê và cuối cùng là chuyển nhượng.
“Hiện nay, thị trường bất động sản đang mất cân bằng cung cầu và lệch pha về phân khúc lại quá lớn. Điều này giúp tăng thêm nguồn cung về giá nhà, giúp kéo giảm giá nhà. Việc đánh thuế nhà còn giúp người nghèo đô thị có cơ hội sở hữu nhà”, ông Châu nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đánh thuế người sở hữu nhiều nhà đất là cần thiết, tuy nhiên cần đánh thuế đúng đối tượng đầu cơ sở hữu nhiều đất đai. Như ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho hay, về đánh thuế nhà bỏ hoang sẽ rất khó. Bởi lẽ, xét về khung pháp lý để thực hiện điều này cần phải dựa trên các luật, nghị định liên quan chứ không phải tự nhiên đưa ra được.
“Nếu xét về đầu cơ thì cá nhân nhỏ lẻ không đáng kể mà tập trung ở nhóm nhà đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Vì thuế chỉ đánh vào cá nhân còn doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thì họ làm theo Luật Doanh nghiệp nên không thể đánh được.
Để đánh thuế được người đầu cơ cần được minh bạch hoá thu nhập, giao dịch đất đai phải thực hiện qua ngân hàng và chứng minh được thu nhập hợp pháp đủ khả năng mua nhà. Bên cạnh đó, đánh thuế theo giá trị tài sản hay số lượng tài sản, bởi một căn nhà vị trí đẹp hoặc diện tích lớn có khi bằng cả chục căn nhà khác nếu xét về giá trị.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, đánh thuế phải căn cứ vào diện tích, giá trị và phải đánh đúng đối tượng. Đơn cử như ở khu dân cũ trong thành phố lớn, mỗi gia đình trong nhà có diện tích từ 15-17m2, nếu họ mua 3 căn, mỗi căn 15m2, thì cần căn cứ vào thực tế diện tích và giá trị để đánh thuế.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, người mua nhà, kể cả ngôi nhà thứ nhất, cũng cần chứng minh thu nhập, khả năng chi trả khi vay ngân hàng... điều này đã ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đất làm lũng đoạn thị trường bất động sản.