Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vừa thông báo về việc đưa cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vào diện cảnh báo từ ngày 13/7/2023 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận tại báo cáo tài chính kiểm toán 2022 là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.
Cổ phiếu HBC cũng đang đồng thời nằm trong diện cổ phiếu bị kiểm soát theo Quyết định số 165/QĐ-SGDHCM ngày 10/4/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp (2021, 2022).
Cổ phiếu HBC còn đang thuộc diện cổ phiếu bị hạn chế giao dịch theo Quyết định số 221/QĐ-SGDHCM ngày 16/5/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá hạn 45 ngày.
Ngoài ra, trong danh sách 76 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý 3/2023 (cắt margin) do HOSE công bố mới đây, cổ phiếu HBC cũng có tên. Lý do được HOSE nêu ra là do cổ phiếu HBC đang thuộc diện chứng khoán bị hạn chế giao dịch và chứng khoán thuộc diện kiểm soát.
Như vậy, cổ phiếu HBC hiện đang nhận 4 án phạt từ HOSE.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2022, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.149 tỷ đồng (tăng hơn 26 tỷ đồng so với báo cáo tự lập). Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tiếp tục giảm sâu hơn so với báo cáo tự lập xuống mức 2.570 tỷ đồng (gấp hơn 2,25 lần con số 1.138 tỷ đồng trong báo cáo tự lập). Lỗ lũy kế đến cuối năm 2022 là 2.101 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2022 của Xây dựng Hòa Bình âm 883 tỷ đồng.
Trong văn bản mới đây gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE giải trình về chênh lệch lợi nhuận năm 2022 trước và sau kiểm toán, Xây dựng Hòa Bình đã giải thích biến động từng khoản mục cụ thể trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.
Theo đó, nguyên nhân đầu tiên khiến lợi nhuận sau thuế 2022 sau kiểm toán chênh lệch gần 1.430 tỷ đồng so với trước kiểm toán là do kiểm toán điều chỉnh chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng khoản trả trước người bán và dự phòng phải thu cho vay trong chi phí quản lý doanh nghiệp (chủ yếu từ công ty mẹ HBC), làm lợi nhuận điều chỉnh giảm 1.306,34 tỷ đồng.
Thứ hai, kiểm toán điều chỉnh tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại từ việc trích lập thêm chi phí dự phòng đầu tư dài hạn làm cho lợi nhuận giảm 198 tỷ đồng.
Thứ ba, kiểm toán điều chỉnh giảm doanh thu tài chính từ khoản trích lãi chậm thanh toán của khách hàng, làm lợi nhuận điều chỉnh giảm 134,5 tỷ đồng.
Thứ tư, kiểm toán điều chỉnh giảm lãi đầu tư vào công ty liên doanh liên kết (do lợi nhuận của CTCP Kỹ thuật Jesco Hòa Bình điều chỉnh giảm so với trước kiểm toán), làm lợi nhuận giảm 2 tỷ đồng.
Thứ năm, kiểm toán điều chỉnh tăng lợi nhuận gộp, đến từ việc điều chỉnh giảm giá vốn tại Công ty mẹ HBC và điều chỉnh giảm chi phí bán hàng, chi phí tài chính làm lợi nhuận tăng 211,05 tỷ đồng.
Với lợi nhuận sau thuế âm, lỗ lũy kế và dòng tiền kinh doanh âm, đơn vị kiểm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Xây dựng Hòa Bình.
Ngoài ra, kiểm toán còn lưu ý tại ngày phát hành báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán, Hòa Bình có các khoản nợ vay đã quá hạn trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn. Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, tập đoàn đang trong quá trình thương thảo với ngân hàng để xin gia hạn.
Trong phần thuyết minh, ban lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình đã nêu ra một số giả định về kế hoạch chuẩn bị dòng tiền trong tương lai gần, trong đó có việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn.
Trong thông báo mới nhất, Hòa Bình cũng cho biết, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 25/8 - 30/8/2023, công ty sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và phương án chi tiết về phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Trước đó, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (diễn ra ngày 27/6), tập đoàn này đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023 bằng việc phát hành 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá phát hành không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu và không thấp thị giá tại thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư.