Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, giá bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018 - 2022 của các chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ 10 - 30%, thậm chí lên đến 30 - 50% giá trị đầu tư.
Song, theo đơn vị này, đất nền dự án ven đô ở nhiều địa phương gần như không có giao dịch. Bởi giá cao, niềm tin của khách hàng vẫn còn thấp, cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác, việc mua đi bán lại bất động sản để ăn chênh lệch hay cho thuê trở nên rủi ro hơn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các khu vực vùng ven Hà Nội như Thạch Thất, Đông Anh, Quốc Oai, Thanh Oai, Sơn Tây, Ba Vì,... giá đất nền đã giảm khoảng 20 - 30%, cá biệt có những lô đất nằm ở vị trí không thuận tiện giảm tới 50% so với thời điểm đỉnh cơn sốt. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên,...
Ông Lê Đình Hảo, Quản lý kinh doanh cấp cao Batdongsan.com cho biết, từ quý 2/2022 đến nay, phân khúc đất nền vẫn đang chứng kiến một mức độ quan tâm rất ảm đạm. Khi thị trường sốt nóng, đây là phân khúc nhận được lượng quan tâm rất lớn và có sự hấp thụ rất nhanh nhưng khi thị trường chững lại, đất nền lại có mức độ sụt giảm sâu nhất. Bởi đất nền là phân khúc mang tính đầu cơ nhiều hơn so với nhu cầu khai thác dòng tiền.
Dẫn số liệu, vị này cho biết, trong quý 1/2023, đất nền tại thị trường Hà Nội tiếp tục có xu hướng hạ nhiệt cả về giá rao bán và lượng quan tâm so với cuối năm 2022. Đơn cử, mức độ quan tâm đến loại hình này trong những tháng đầu năm tại Gia Lâm sụt giảm 24%, Thanh Trì 18%, Đông Anh 15%, Hoài Đức 9%, Long Biên 5%,… Giá rao bán cũng ghi nhận giảm hầu hết tại khu vực ngoại thành.
“Diễn biến thị trường hiện tại đang gây áp lực cho các nhà đầu cơ đất nền sử dụng đòn bẩy tài chính. Cả kể khi thị trường tốt lên thì đất nền thường là phân khúc phục hồi chậm hơn so với các phân khúc khác”, ông Hảo nói.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý đầu năm, tình trạng chờ đợi, trầm lắng vẫn đang tồn tại. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những điểm sáng ở các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng, tốc độ đô thị hóa cao, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín, có pháp lý tốt, phục vụ nhu cầu thực, có thanh khoản tốt trong dài hạn và nhu cầu cho thuê cao. Bên cạnh đó, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhà đầu tư ưa chuộng và tiếp tục là phân khúc được lựa chọn hàng đầu.
Đưa ra dự báo về thị trường, ông Đính cho rằng, đến cuối quý 2 thị trường sẽ có những tín hiệu tích cực từ các động thái tháo gỡ gần đây. Đến cuối năm nay, thị trường sẽ dần phục hồi và phát triển lành mạnh trở lại.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, hiện nay chưa phải thời điểm thích hợp để xuống tiền, bởi mặc dù giá đất nền ven Hà Nội hay TP.HCM đã giảm nhưng vẫn tương đối cao.
“Những người mua đất vùng ven phải 70 - 80% là đầu tư, đầu cơ mà không có nhu cầu thực. Song những người này đa phần sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Trong khi đó lãi suất hiện nay vẫn neo cao, do đó những nhà đầu tư này đang chịu áp lực khá lớn”, ông Toản nói.
Vì thế, thời gian tới khi áp lực tài chính lên cao, nhiều nhà đầu tư sẽ tiếp tục phải giảm giá bán. Ông Toản cho rằng, đến quý 3 - 4/2023 là thời điểm thích hợp để xuống tiền.