CLSA: Trung Quốc có quỹ giải cứu bất động sản quy mô 3.500 tỷ nhân dân tệ

Con số này ước tính cao hơn mức thiếu hụt vốn khoảng 700 đến 800 tỷ nhân dân tệ mà các dự án bất động sản triển khai chậm đang cần đến, dựa trên tính toán của S&P Global.
Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Trung Quốc có đủ khả năng cứu lĩnh vực bất động sản hiện đang trong tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Tổng số tiền trong quỹ giải cứu bất động sản được ước tính khoảng 3,57 nghìn tỷ nhân dân tệ tức khoảng 501 tỷ USD cùng với sự hỗ trợ của chính phủ trung ương, theo tính toán của CLSA.

Con số này ước tính cao hơn mức thiếu hụt vốn khoảng 700 đến 800 tỷ nhân dân tệ mà các dự án bất động sản triển khai chậm đang cần đến, dựa trên tính toán của S&P Global. Ở mức độ suy giảm tồi tệ nhất, con số này có thể chạm mức khoảng 2 nghìn tỷ nhân dân tệ.

Giới chức Trung Quốc đã cố gắng ngăn cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản bằng nhiều biện pháp khác nhau trong đó có việc hạ lãi suất, yêu cầu các ngân hàng đáp ứng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp bất động sản đồng thời cung cấp các khoản vay ước tính khoảng 200 tỷ nhân dân tệ thông qua các ngân hàng chính sách nhằm đảm bảo các dự án bất động sản được triển khai.

S&P ước tính Trung Quốc hiện có khoảng 2 triệu căn hộ chưa được các doanh nghiệp bất động sản hoàn thành. Dù rằng chính quyền các địa phương áp dụng nhiều biện pháp, số lượng người mua nhà tẩy chay các dự án bất động sản đã tăng đáng kể từ tháng 8/2022. Nhiều chủ sở hữu nhà ở cũng đang cứng rắn hơn trong các đòi hỏi của mình, họ sẵn sàng ngừng thanh toán nếu chất lượng xây dựng kém hoặc ô nhiễm tiếng ồn.

“Việc ngăn bất động sản đi xuống rất quan trọng với nền kinh tế và ổn định xã hội, đây là hai mục tiêu rất quan trọng của chính phủ Trung Quốc. Sự suy giảm giờ đã đến mức độ mà chính phủ có thể đã thấy cần phải có biện pháp mang tính bước ngoặt”, chuyên gia phân tích thuộc S&P – ông Edward Chan phân tích.

Sự đi xuống của thị trường bất động sản Trung Quốc đã gây tổn hại đến cả các ngân hàng và chính quyền địa phương, đe dọa gây ra tác động lớn lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo báo Nikkei, tỷ lệ vỡ nợ trên thị trường bất động sản Trung Quốc trong vòng 12 tháng qua đã tăng vọt khi mà thêm ngày một nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong việc trả nợ.

Nếu tính cả các vụ trả nợ chậm, đã có 99 doanh nghiệp vỡ nợ nội địa trong vòng 1 năm tính đến ngày 8/8/2022, cao gấp 2,2 lần so với 1 năm trước, theo thông tin từ Wind Information.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cảnh báo rằng ước tính khoảng 20% doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đang đương đầu với rủi ro mất thanh toán.

Chính phủ Trung Quốc “đứng đằng sau” những thay đổi này khi áp dụng biện pháp hạn chế cứng rắn hơn vào năm 2021 với các khoản thế chấp và việc các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận. Các biện pháp phong tỏa theo chính sách không COVID-19 của Trung Quốc cũng góp phần tạo ra thêm áp lực.

Nếu tính theo số lượng nhà bán, doanh số bán nhà mới trong khoảng thời gian nửa năm đầu giảm đến 27% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán nhà tháng 7/2022 giảm 13% so với tháng 6/2022. Còn trên khoảng 100 thành phố chính tại Trung Quốc, doanh số bán nhà giảm đến 27% so với cung fkỳ, theo số liệu của doanh nghiệp nghiên cứu bất động sản China Index Academy.

Các ngân hàng đã bắt đầu cảm nhận được “sức nóng”. Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 26% tổng các khoản tín dụng tại Trung Quốc trong khi đó tỷ lệ này tại Nhật ở thời kỳ đỉnh cao của bong bóng bất động sản Nhật ước tính khoảng từ 21 đến 22%. Tỷ lệ nợ xấu trong nhóm 4 ngân hàng nhà nước của Trung Quốc tăng hơn 1 điểm phần trăm trong năm 2021 lên 3,8%.

Khi không thể tiếp cận được với nguồn tiền, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tạm dừng các dự án xây nhà ở. Gần 4% các căn nhà bán ra trong khoảng thời gian 4 năm tính đến tháng 6/2022 đều có vấn đề, theo tính toán của chuyên gia Yan Yuejin thuộc Viện Nghiên cứu E-house tại Thượng Hải

Kết quả, những người mua nhà đang phản đối mạnh mẽ. Người mua nhà tại hơn 300 dự án chưa hoàn thành giờ đây đang từ chối thanh toán. Thực tế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các khoản vay bất động sản trị giá ước tính 900 tỷ nhân dân tệ tức khoảng 133 tỷ USD tương đương 1,7% các khoản nợ trong lĩnh vực bất động sản.

Đọc tiếp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE