* Giá vàng gần mức đỉnh lịch sử
Giá vàng châu Á được duy trì ổn định ở gần mức cao kỷ lục trong phiên 20/8, khi giới đầu tư đón chờ biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell, để tìm kiếm manh mối về kế hoạch giảm lãi suất trong năm nay.
Giá vàng giao ngay dao động trong biên độ hẹp, được giao dịch ở mức 2.503,05 USD/ ounce vào lúc 12 giờ 14 phút giờ Việt Nam, chỉ thấp hơn một chút so với mức cao nhất mọi thời đại là 2.509,65 USD/ounce được ghi nhận trong phiên 16/8. Tương tự, giá vàng kỳ hạn cũng gần như không đổi ở mức 2.540,90 USD/ounce.
Ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG, nhận định: "(Thị trường vàng) dường như đang có một ‘khoảng nghỉ’, khi người mua tìm cách bảo vệ mức giá cao kỷ lục". Theo chuyên gia này, về mặt phân tích kỹ thuật, xu hướng tăng của kim loại quý này sẽ vẫn được duy trì và giá có thể hướng tới mức 2.665 USD/ounce.
Giá vàng đã tăng hơn 20% trong năm nay nhờ tâm lý lạc quan rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới, cùng xu hướng các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vào và nhu cầu tìm kênh trú ẩn an toàn bắt nguồn từ căng thẳng ở Trung Đông.
Fed được cho là sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong mỗi cuộc họp ở cả ba cuộc họp chính sách còn lại trong năm 2024. Một số chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đã bác bỏ khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
"Quyết định cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào việc các dữ liệu kinh tế sắp tới", ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank, cho biết.
Tại Việt Nam, chiều phiên 20/8, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 76,80 - 78,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
* Giá dầu giảm nhẹ trong bối cảnh nhu cầu yếu
Phiên 20/8 chứng kiến giá dầu giảm nhẹ, sau khi Israel chấp nhận đề xuất về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, giúp xoa dịu những lo ngại về gián đoạn nguồn cung tại Trung Đông.
Giá dầu Brent giảm 67 xu Mỹ, tương đương 0,86%, xuống còn 76,99 USD/thùng vào lúc 13 giờ 00 phút giờ Việt Nam. Trong khi đó, giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ giao dịch ở mức 73,75 USD/thùng, giảm 62 xu Mỹ, tương đương 0,8%.
"Diễn biến địa chính trị ở Trung Đông và triển vọng nhu cầu từ Trung Quốc đang tác động đến thị trường năng lượng", ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG cho biết. Chuyên gia này ám chỉ những dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc đang làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, dự trữ dầu thô tại Mỹ được dự báo sẽ giảm 2,9 triệu thùng vào tuần trước, theo một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters.
Ngoài ra, lo ngại về các vấn đề kinh tế của Trung Quốc đã tạo áp lực lên giá dầu. Sau một quý II ảm đạm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục để mất đà trong tháng 7 khi giá nhà mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong 9 năm, sản lượng công nghiệp chậm lại, tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư giảm trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng.
* Chứng khoán châu Á nhích nhẹ, chờ đợi quyết định của Fed
Các nhà đầu tư chứng khoán châu Á giao dịch một cách thận trọng trong phiên 20/8, để chờ đợi tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất của Fed.
Trong bối cảnh các dữ liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ vẫn ổn định, giới đầu tư kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt vào tháng tới.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trên sàn Tokyo tăng 1,8% lên 38.062,92 điểm. Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) cũng đồng loạt giảm điểm. Khép phiên, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt giảm 0,47% và 0,9%, xuống các mức 17.486,57 điểm và 2.866,66 điểm.
Một loạt báo cáo lợi nhuận từ các cửa hàng lớn của Mỹ như Target, Lowe's và TJX cũng sẽ được công bố trong tuần này, qua đó cung cấp thêm thông tin về tâm lý người tiêu dùng sau khi các số liệu bán lẻ khả quan được công bố vào tuần trước.
Tuy nhiên, trọng tâm chính vẫn là phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Hội nghị chuyên đề về Chính sách Kinh tế Jackson Hole ở bang Wyomin.
Fed được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng tới, với một số thậm chí còn dự đoán mức giảm là 50 điểm cơ bản, và sẽ tiếp tục thêm hai lần nữa trước khi năm 2024 kết thúc.
Nhà phân tích độc lập Stephen Innes cho biết: "Tất cả sự chú ý đều đang hướng tới những tín hiệu từ ông Powell”. Theo chuyên gia này, thị trường đang kỳ vọng bài phát biểu của ông sẽ có ảnh hưởng hơn bình thường và hy vọng sẽ có tín hiệu nới lỏng vào tháng 9 tới.
Tuy nhiên, ông Stephen Innes cũng thêm rằng: "Ông Powell sẽ không tiết lộ toàn bộ kế hoạch cắt giảm lãi suất ngay lập tức. Từ giờ đến cuộc họp vào tháng 9, nước Mỹ sẽ đón nhận thêm một báo cáo việc làm trong khu vực phi nông nghiệp. Do đó, việc cắt giảm 25 hay 50 điểm cơ bản vẫn là chưa chắc chắn”.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên 20/8, chỉ số VN - Index tăng 10,93 điểm (0,87%) lên 1.272,55 điểm. Chỉ số HNX – Index tăng 1,29 điểm (0,55%) lên 237,31 điểm.