Giá cà phê tăng vọt 5%
Toàn bộ 9 mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp ghi nhận các mức tăng mạnh từ 1,3%. Đáng chú ý, giá cà phê tăng vọt 5,8%. Giá Arabica vượt mức 5.091 USD/tấn, cao nhất trong 5 tuần trở lại đây; đồng thời giá Robusta chạm đỉnh 1 tháng tại 4.120 USD/tấn.
MXV cho biết, nguồn cung thu hẹp tại các quốc gia sản xuất chính đang gây tâm lý lo ngại thiếu hụt cà phê trên thị trường, từ đó hỗ trợ giá tăng trở lại.
Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil CONAB đã hạ dự báo sản lượng cà phê Robusta của quốc gia này giảm 600.000 bao, xuống còn 16,7 triệu bao. Cùng với đó, StoneX ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam có thể chỉ đạt 24 triệu bao, là mức thấp nhất trong 4 năm qua chủ yếu do biến đổi khí hậu.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm qua (28/5), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đồng loạt tăng 500 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 115.700 – 117.200 đồng/kg.
Cùng chung xu hướng, giá bông tăng thêm 2%, lên mức cao nhất 1 tháng. Doanh số bán hàng bông vụ 2023-2024 của Mỹ tăng trở lại, phản ánh nhu cầu về bông đang có sự phục hồi, đặc biệt từ Trung Quốc. Trong báo cáo xuất khẩu bông hàng tuần kết thúc ngày 16/5, Mỹ bán 202.900 kiện bông, tăng lần lượt 30% và 19% so với tuần trước và mức trung bình 4 tuần gần nhất.
Giá ca cao tăng gần 4% khi nguồn cung vẫn đang ở mức thấp. Tính từ đầu vụ 2023- 2024 (tháng 10/2023) đến ngày 26/5/2024, lượng ca cao được vận chuyển đến các cảng của Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,469 triệu tấn, giảm mạnh 29% so với cùng kỳ vụ trước.
Hơn thế, tình trạng thiếu mưa ở hầu hết các vùng trồng ca cao chính của Bờ Biển Ngà có thể ảnh hưởng đến sự phát triển quả dự kiến sẽ được thu hoạch trong thời gian giữa vụ từ tháng 4 đến tháng 9.
Giá bạc tăng 5%, dẫn dắt đà tăng mạnh của nhóm kim loại
Kết thúc ngày giao dịch 28/5, sắc xanh áp đảo trên bảng giá kim loại với 9/10 mặt hàng đồng loạt tăng giá. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim tăng mạnh khi áp lực vĩ mô suy yếu, ghi nhận mức tăng lần lượt là 5,37% và 2,72%, đóng cửa tại mức 32,13 USD/ounce và 1.066,8 USD/ounce.
Bất chấp cảnh báo của các quan chức Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rằng họ có thể giữ lãi suất cao lâu hơn, các nhà đầu tư trên thị trường vẫn tỏ ra lạc quan khi thước đo lạm phát ưa thích của FED được dự báo sẽ hạ nhiệt mạnh trong tháng 4/2024. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi tháng 4 của Mỹ dự kiến tăng 0,2% so với tháng trước, đánh dấu mức tăng nhỏ nhất từ đầu năm đến nay. Chỉ số PCE tổng thể dự kiến duy trì ở mức 0,3% trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Điều này củng cố cho quan điểm FED sẽ hạ lãi suất trong năm nay, giá kim loại quý vì thế cũng được hỗ trợ do lãi suất thấp hơn là môi trường đầu tư có lợi cho kim loại quý.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng 2,14% nhờ triển vọng tiêu thụ lạc quan. Nối tiếp các thành phố khác tại Trung Quốc, thành phố Thượng Hải đã tuyên bố nới lỏng các hạn chế mua nhà vào hôm qua, giúp cải thiện triển vọng nhu cầu kim loại, trong đó có đồng.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF), để đạt được kịch bản net-zero vào năm 2050, từ năm 2018 đến năm 2050, thế giới cần thêm 1,46 tỷ tấn đồng, tương đương 91,3 triệu tấn sản lượng khai thác mới mỗi năm hoặc 194 mỏ đồng mới. Trong trường hợp này, 6 mỏ mới sẽ cần đi vào hoạt động mỗi năm.
Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt là mặt hàng giảm giá duy nhất trong nhóm khi giảm 1,27% về 117,79 USD/tấn, mức thấp nhất một tuần. Mặt hàng này đã trải qua phiên rung lắc khá mạnh.
Trong phiên sáng, chính sách hỗ trợ mới nhất của Thượng Hải cũng giúp củng cố cho tâm lý thị trường, kéo giá tăng mạnh. Tuy nhiên, tới phiên chiều, giá quay đầu giảm trở lại do nhà đầu tư thận trọng vì nhu cầu thép vẫn yếu ở Trung Quốc. Các nhà phân tích của China International Capital Corporation (CICC) lưu ý rằng các biện pháp kích thích bất động sản gần đây có thể sẽ không trực tiếp thúc đẩy tiêu thụ thép, vì nó tập trung nhiều hơn vào việc giảm tồn kho nhà ở thay vì xây mới..