Một chuyên gia kinh tế trong diễn đàn đã từng đặt câu hỏi rằng: “Làm thế nào để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư bất động sản?” trong khi phần lớn chuyên gia đang kiến nghị các giải pháp liên quan tháo gỡ khó khăn cho bất động sản như về vốn cho doanh nghiệp địa ốc, nguồn cung nhà ở đánh trúng vào nhu cầu ở thực hay tài chính hỗ trợ cho người mua nhà.
Còn nhớ, thời điểm 2018, lo ngại về chu kỳ bong bóng đã từng được đặt ra. Trong nhiều diễn đàn, hội thảo, chủ đề “bong bóng bất động sản” liên tục được bàn thảo khi thực tế, giá tài sản tăng chóng mặt, gấp hàng lần so với thời điểm 2015. Thậm chí, có nhiều khu vực, chỉ vài tháng, giá bất động sản kéo dựng đứng.
Khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, sẽ không có bong bóng bất động sản xảy ra, cũng không lo ngại thị trường đổ vỡ donino. Ông Đính cho rằng, thời điểm 2018 khác so với năm 2011-2013. Nguyên nhân sự đổ vỡ thị trường khi đó, chính là nhà đầu tư mất niềm tin vào bất động sản. Nhưng hiện tại, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng, vẫn xuống tiền vào bất động sản. Quan điểm của ông Đính cũng là sự nhận định chung của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc khi đó.
Đến thời điểm hiện tại, dù có điểm chung với thị trường 2011-2013 là áp lực lạm phát gia tăng, lãi suất tăng và mấu chốt chính là giá bất động sản đã từng tăng nóng quá nhiều lần. Nhưng khi đứng ở diễn biến của thị trường địa ốc hiện tại, điểm lo ngại nhất chính là tâm lý của giới đầu tư sau hàng loạt tác động về lãi suất, sự điều chỉnh về pháp luật và đặc biệt khi tin đồn về chủ bất động sản ngã ngựa.
Bên cạnh đó, sự biến động của thị trường chứng khoán cũng đang tác động đến tâm lý của nhà đầu tư địa ốc. Nhìn vào những năm trước, TS. Phạm Anh Khôi, CEO Công ty tài chính FINA cho rằng, khi thị trường bất động sản bước vào các chu kỳ sốt đất, chỉ số VN-Index đồng thời cũng lập các đỉnh mới. Đặc biệt, trong giai đoạn sốt đất lần thứ 4, VN-Index ghi nhận 1.204 điểm, tăng vọt 189% so với đỉnh cũ được thiết lập năm 2015.
Khi bất động sản tăng giá, nhà đầu tư nếu dư tiền sẽ đầu tư vào chứng khoán. Và ngược lại, khi thắng ở thị trường chứng khoán thì nhà đầu tư chứng khoán cũng chuyển một phần lợi nhuận qua kênh bất động sản.
Theo ông Khôi, tâm lý chung của khách hàng là e dè, thận trọng trước những biến động của thị trường.
TS. Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc chiến lược Công ty CP Lendbiz, niềm tin của nhà đầu tư đang suy giảm khiến thị trường đầu tư tài chính vốn nhạy cảm sẽ càng nhạy cảm hơn, đôi chỉ chỉ một tin đồn vô căn cứ cũng làm rung lắc toàn thị trường. Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán và bất động sản đều rơi vào tình trạng trầm lắng. Dường như khủng hoảng niềm tin đang lan rộng, mà nếu không quản trị kịp thời thì kết cục có thể sẽ còn xấu hơn nữa.
Cũng theo ông Nam, nhà đầu tư tiềm năng đang nghe ngóng, e dè; nhà đầu tư hiện tại đang muốn thoát ra, hàm ý thị trường đang đi xuống.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan cũng đưa ra nhận định: thị trường hiện tại vẫn có nhiều tiềm năng nhưng thiếu sự tự tin. Gần đây, tâm lý người mua bất động sản bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khó khăn của thị trường, khiến họ chuyển hướng về những lựa chọn an toàn hơn, thay vì "phiêu lưu" đầu tư như giai đoạn trước. Lực cầu vẫn có song niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường sụt giảm. Hầu hết các bên đang giữ tâm thế nghe ngóng và quan sát diễn biến thị trường.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, ngoài việc tháo gỡ dần những khó khăn đến từ bản thân thị trường, việc khôi phục niềm tin để nhà đầu tư hiện tại ở lại thị trường và nhà đầu tư tiềm năng sẵn sàng tham gia là việc có ý nghĩa lớn để vực dậy các thị trường ở thời điểm này.
Cũng theo các chuyên gia, với chính sách điều chỉnh kịp thời của Chính phủ, thị trường địa ốc sẽ phát triển theo hướng minh bạch. Những nhà đầu tư đang khôi phục dần niềm tin với thị trường thông qua sự kỳ vọng vào thời gian tới, bất động sản sẽ sớm lấy lại vị thế cân bằng.