Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) mới công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 sau 2 lần bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhắc nhở về việc chậm công bố báo cáo tài chính.
Theo đó, doanh thu thuần HBC đạt 3.218 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán lại tăng 2,5%, lên 3.644 tỷ đồng do đó, Hòa Bình lỗ gộp 426 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của HBC âm 112,7 tỷ đồng. Cùng với các loại chi phí, đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới gần 500 tỷ đồng , gấp hơn 3 lần cùng kỳ, chi phí tài chính trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay cũng tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ, Hòa Bình lần đầu báo lỗ lịch sử với hơn 1.200 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2022, Hoà Bình lỗ 1.141 tỷ đồng, “thổi bay” lợi nhuận chưa phân phối khiến Hoà Bình lỗ luỹ kế 688 tỷ đồng.
Trong thông tin cung cấp cho báo chí trước đó, ông Nguyễn Công Phú từng tiết lộ tài khoản của Hoà Bình chỉ còn 23 tỷ đồng khả dụng. “Một nơi mà một năm làm khoảng 15.000 tỷ mà chỉ còn 23 tỷ khả dụng là một chuyện kinh khủng, lúc đó HĐQT phải cùng với ban Tổng giám đốc đi kiểm định xem 23 tỷ khả dụng là như thế nào”, ông Phú từng nói.
Liên quan đến "biến động bất thường nhân sự cấp cao", một trong những lý do khiến HBC chậm công bố báo cáo tài chính, ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và Người đại diện theo pháp luật của HBC sau khi có quyết định của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP.HCM với nội dung: "Buộc Công ty tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12/2022 của HĐQT cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài".
Ông Lê Viết Hải từng gửi thư cho cổ đông và đề cập thẳng về thế lực muốn “thâu tóm” HBC khi ngày 1/1/2023, các thành viên Hội đồng quản trị độc lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gồm ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã phát đi một Thông cáo báo chí cho biết, các thông cáo của ông Lê Viết Hải với báo chí không những không có cơ sở pháp lý mà còn sai sự thật vì ông Hải không thể tiến hành được cuộc họp HĐQT theo quy định, cũng như có đủ đa số phiếu trong HĐQT để có thể hoãn quyết định được đưa ra trong cuộc họp ngày 13/12/2022.
Nợ vay tăng mạnh, phải thu chiếm 72% tổng tài sản
Một trong những rủi ro của Xây dựng Hoà Bình thời gian qua liên quan đến lãi suất nợ vay. Nợ vay của HBC đã liên tục tăng cao trong nhiều năm qua và chiếm tỷ trọng cao trong tổng tài sản của HBC.
Quý 4/2022, HCB ghi nhận mức tăng chi phí lãi vay lên đến 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 163 tỷ đồng, đưa luỹ kế cả năm chi phí lãi vay lên đến gần 521 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2022, nợ vay của HBC ở mức gần 14.283 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 12.735 tỷ đồng. Phần lớn các khoản vay của HBC được thế chấp bằng các khoản phải thu của khách hàng, với lãi suất áp dụng theo từng lần giải ngân.
Tính tới quý 4/2022, tổng phải thu của doanh nghiệp chiếm tới 72 tổng tài sản. Điều này khiến dòng tiền của bị thu hẹp, làm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng gặp khó khăn.
Áp lực tài chính khiến HBC lên kế hoạch huy động vốn trung dài hạn thông qua phát hành trái phiếu cũng như tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ khiến kế hoạch phát hành của HBC gặp khó khăn. Trong khi đó, hoạt động phát hành cổ phiếu có thể cũng không suôn sẻ khi lần phát hành đầu tiên được thông qua vào tháng 8/2022 với giá phát hành 32.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn rất nhiều so với thị giá và nhà đầu tư tham gia đợt chào bán là Sanei Architecture Planning Co., Ltd. Theo quy định 2 đợt cổ phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng, như vậy, để phát hành 74 triệu cổ phiếu, thu về 2.400 tỷ đồng thì 69 triệu cổ phiếu còn lại nhanh nhất sang quý 1/2023 mới có thể phát hành.