Định vị thị trường
Trong 3 phiên ngày nghỉ lễ của Việt Nam, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn hoạt động bình thường với 2/3 phiên giảm điểm. Phản ứng của thị trường chứng khoán là khá nhẹ nhàng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã hiện thực hóa kịch bản tăng lãi suất thêm 0,25%.
Thực tế là với các phiên tăng điểm tốt trong tuần trước, chứng khoán Mỹ đã tự tạo được một vùng "đệm" khá an toàn để đón nhận những phản ứng của giới đầu tư về kết quả cuộc họp từ FED. Hiện chỉ số đo lường mức biến động của thị trường chứng khoán là VIX dù đã tăng nhưng vẫn nằm dưới mức 19 điểm.
Nhìn chung, các biến số từ thế giới hiện vẫn chưa có nhiều sức nặng với thị trường Việt Nam. Theo thống kê, số lượng các mã có xu hướng tăng dài hạn trên HOSE đạt mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, đạt tỷ lệ 36,7% cho đến trước phiên 4/5. Trạng thái cách xa đường MA200 của VN-Index hiện đang đến từ sự thiếu hợp tác của nhóm cổ phiếu lớn, cụ thể là các Bluechips như VIC, VNM, VHM, GAS…
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 326 tỷ trên HoSE
Các phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ đã ghi nhận một số động thái giữ tiền cho thị trường. Khối lượng khớp của phiên 28/4 thậm chí còn đã tiệm cận mức khớp lệnh bình quân 20 phiên, đạt 571 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, trạng thái của khối ngoại đang khá đáng ngại khi họ đã bán ròng riêng trong tháng 4 gần 2.800 tỷ đồng. Nhiệm vụ cân đối dòng tiền của nhà đầu tư nội sẽ trở nên khó khăn hơn. Ở phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, khối ngoại lại bán ròng tiếp 326 tỷ đồng trên HOSE.
Ở góc độ điều hành, Ngân hàng Nhà nước đã trở lại bơm ròng trong tuần trước với giá trị ròng hơn 17 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các diễn biến này có thể còn mang tính hỗ trợ cho thanh khoản hệ thống ngân hàng trong giai đoạn nghỉ lễ. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã biến động khá mạnh trong giai đoạn kể trên.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý tới số liệu PMI tháng 4/2022 tiếp tục sụt giảm về mức 46,7 điểm. Đây là tín hiệu chưa thực sự tích cực cho ngành sản xuất Việt Nam nói chung và các cổ phiếu sản xuất nói riêng.
Vận động nhóm ngành
Các nhóm cổ phiếu đã tăng ngay trước kỳ nghỉ lễ là Bất động sản, Chứng khoán và Năng lượng giúp thị trường giữ được sức hút nhất định. Vận động của các mã này sau khi thị trường trở lại càng nhận được nhiều sự quan tâm.
Nhóm Bất động sản vẫn còn các mã NLG (+1,6%), KDH (+2,2%), DIG (+1,1%) tăng giá nhưng cũng đi kèm là sự phân hóa khá mạnh khi TDC (-2,9%), TDH (-2,5%), SCR (-2,2%), LDG (-1,9%) giảm giá.
Với nhóm Chứng khoán, đà tăng lại được duy trì khá tốt. Một số mã như AGR, VIX lại tăng trần trong khi các cổ phiếu như FTS (+2,1%), VCI (+2,1%), BSI (+3,1%) vẫn có đà đi tiếp.
Trong khi đó, với nhóm Năng lượng, các cổ phiếu chủ yếu dao động trong biên độ hẹp hơn như PPC (+1%), REE (+0,5%), NT2 (+0,5%), HDG (+0,4%). Nhóm Năng lượng có thành tích còn kém hơn so với các cổ phiếu Đầu tư công khi một loạt các mã như LCG (+3,4%), HT1 (+2,9%), ELC (+6,8%) tăng được hơn 2%.
Dù vậy, HOSE vẫn có một phiên giao dịch chứng kiến sự lấn lướt của sắc đỏ với độ rộng hơn 55%. Nguyên nhân đến từ rổ VN30 xuất hiện 21/30 mã giảm giá. Các cổ phiếu lớn NVL (-5,2%), MSN (-3,4%), MWG (-3,3%), VCB (-2,2%), CTG (-2,1%), VNM (-2%), HPG (-1,6%) đều đã thể hiện không tốt.
Điều này đã dẫn đến việc VN-Index trả lại hết điểm số đã kiếm được của phiên 28/4, chốt phiên giảm 8,51 điểm xuống 1.040,61 điểm (-0,81%). Thanh khoản sàn đạt 10.495 tỷ đồng.
Biến động của các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng trở nên không rõ ràng. HNX-Index tăng 0,32% trong khi UPCoM-Index giảm 0,64%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.600 tỷ đồng.