Nhận định về thị trường chứng khoán (TTCK) trên được TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng của BIDV, chuyên gia tài chính tiền tệ nêu ra khi phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Lành mạnh hoá thị trường tài chính và bất động sản, phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế”, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2022 do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng tổ chức sáng nay (17/12).
Tâm lý đám đông lên TTCK Việt Nam đặc biệt mạnh hơn những quốc gia khác
Nhận định về diễn biến của TTCK Việt Nam giai đoạn vừa qua, TS. Cấn Văn Lực cho biết, dòng tiền vào TTCK sụt giảm mạnh so với hai năm trước. Hiện tượng này là do hầu hết những dòng tiền chính đổ vào TTCK Việt Nam thời gian qua đều giảm.
Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài không còn được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ dễ dàng như trước do các gói hỗ trợ đã chấm dứt, lãi suất thấp đã không còn, thanh khoản thị trường tài chính toàn cầu eo hẹp hơn và hệ thống ngân hàng toàn cầu cũng thắt chặt điều kiện cho vay do e ngại rủi ro suy thoái, rủi ro tài chính toàn cầu tăng lên.
Bên cạnh đó, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước cũng bị hạn chế trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng do năng lực tài chính suy giảm, hạn mức tăng trưởng tín dụng kiểm soát chặt chẽ; phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khó khăn hơn sau những vụ việc vi phạm quy định vừa qua và quy định luật pháp theo hướng chặt chẽ hơn; giải ngân đầu tư công còn chậm, vòng quay vốn chậm, chi phí đầu vào tăng và doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau... khiến lượng vốn dành cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bị giảm đi đáng kể.
TTCK cũng đang chịu áp lực giải chấp. Dù dư nợ cho vay ký quỹ đã giảm 18% từ mức đỉnh cuối quý 1/2022 (201.200 tỷ đồng) song vẫn là mức cao trong vòng 2 năm 2020- 2021 (cao hơn giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh). Việc giá cổ phiếu giảm mạnh đã dẫn đến việc một số nhà đầu tư sở hữu nhiều cổ phiếu đã bị các công ty chứng khoán bán giải chấp.
Thứ nữa là niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán giảm mạnh do những tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế thế giới cũng như chịu ảnh hưởng từ những vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố, bắt tạm giam lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn, cùng các biện pháp chấn chỉnh TTCK và bất động sản trong thời gian qua…
“Không chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp vi phạm mà còn cả những cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn. Việc xử lý, giải quyết và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rào cản pháp lý còn chậm cũng có tác động nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư”, ông Lực nói.
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu dịch chuyển sang những kênh đầu tư ít rủi ro hơn như tiền gửi ngân hàng (đặc biệt trong bối cảnh lãi suất huy động đang tăng lên), dẫn đến việc thanh khoản thị trường sụt giảm, từ đó tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư cá nhân và kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.
Cũng theo ông Lực, hiện nay tâm lý đám đông khá phổ biến trên thị trường. Tác động của tâm lý đám đông lên TTCK Việt Nam còn đặc biệt mạnh hơn so với ở những quốc gia khác do nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% giao dịch trên thị trường. Đặc điểm của nhóm nhà đầu tư cá nhân này là họ đưa ra quyết định đầu tư không dựa trên lý trí hay phân tích tài chính, mà mua bán chủ yếu theo tin đồn, và một lượng lớn nhà đầu tư không có hiểu biết về tài chính; tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao, cộng hưởng cùng tâm lý bầy đàn của nhà đầu tư, đã tạo ra vòng xoáy giá xuống – bán giải chấp, khiến thị trường càng chịu áp lực bán mạnh mỗi khi có sự điều chỉnh.
“TTCK Việt Nam lâu nay đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thổi giá, giá cổ phiếu cao hơn nhiều lần giá trị thực, khiến nhà đầu tư có tâm lý không coi trọng những đánh giá, phân tích khách quan, do vậy họ thường xuyên chuyển đổi trạng thái rất nhanh từ ‘hưng phấn quá mức’ đến ‘bi quan quá đà’ mỗi khi thị trường có điều chỉnh”, ông Lực nhìn nhận.
Tính đến 30/11/2022, mức giảm của TTCK Việt Nam cao hơn nhiều so với mức giảm của nhiều TTCK trên thế giới và trong khu vực - Nguồn: Bloomberg, Viện ĐTNC BIDVTuy đang trải qua giai đoạn sóng gió song Kinh tế trưởng của BIDV đánh giá TTCK Việt Nam vẫn có triển vọng tích cực trong cuối năm 2022 và năm 2023, khi tăng trưởng GDP đạt mức cao, lạm phát kiểm soát ở mức thấp so với thế giới, tình hình sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối khả quan.
Ông Lực cho rằng, đợt điều chỉnh này của thị trường cũng khiến cho mức định giá của các cổ phiếu trên thị trường trở về mức hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn (P/E của VN-Index trong tháng 11 đã giảm xuống khoảng 10 lần – mức mà thị trường mới chỉ 2 lần chạm phải vào năm 2008 và 2012).
Vị chuyên gia dẫn chứng, trên thực tế, các nhận định này đã phần nào được thể hiện qua việc tổng giao dịch của khối ngoại trên sàn giao dịch HOSE đạt hơn 64 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với tháng 12/2021. Trong đó, quan trọng nhất là việc khối này đã mua ròng hơn gần 15 nghìn tỷ đồng trong tháng 11, qua đó đã đảo chiều quy mô giao dịch ròng tính từ đầu năm thành mua ròng gần 12 nghìn tỷ đồng từ mức bán ròng hơn 3,2 nghìn tỷ đồng ở thời điểm cuối tháng 10.
Ngoài ra, theo ông Lực, một số hành vi sai phạm như thao túng thị trường bị xử lý cũng sẽ giúp thị trường trở nên lành mạnh hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong dài hạn.
Hơn 700 nghìn tỷ đồng TPDN trước áp lực đáo hạn giai đoạn 2023-2025
Về thị trường TPDN, TS. Cấn Văn Lực cho biết, với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018-2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng TPDN đáng kể sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023- 2025, khoảng hơn 700 nghìn tỷ đồng, chưa tính tiền lãi.
Theo đó, hai nhóm ngành phát hành TPDN nhiều nhất là ngân hàng thương mại và bất động sản. Trong đó, TPDN được phát hành bởi các ngân hàng thương mại hầu như rất ít rủi ro, do đặc thù riêng
Còn với nhóm bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành gần 215 nghìn tỷ đồng năm 2021 và 50 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp 10 tháng đầu năm 2022 (xếp thứ 2 về khối lượng, sau các tổ chức tín dụng), với lãi suất trung bình là 10,35%/năm. Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới, khoảng 115 ngàn tỷ đồng/năm, chưa tính tiền lãi.
Để giải quyết vấn đề này, nếu như trong điều kiện thông thường, TS. Cấn Văn Lực cho biết các doanh nghiệp sẽ tìm nguồn vốn mới (từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu...) để đảo nợ và duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn khó khăn. Do đó, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực bất động sản, tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời.
“Hệ lụy của việc vỡ nợ này là lớn, phức tạp, cần kiểm soát vì mối quan hệ liên thông giữa ngân hàng - chứng khoán – bất động sản là khá lớn”, ông Lực nói.
Tổng giá trị TPDN đào hạn theo năm (nghìn tỷ đồng, chưa tính tiền lãi) - Nguồn: FiinGroupĐể lành mạnh hóa TTCK và thị trường TPDN, vị chuyên gia này kiến nghị cần tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng giải quyết, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm quy định trên TTCK và thị trường TPDN. Tăng cường tuyên truyền và mở rộng các chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, tránh tâm lý đám đông.
Đồng thời cần phát triển đội ngũ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong đó, cần đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài và phát triển các quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức trong nước (gồm cả công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư mở, quỹ hưu trí…). Các tổ chức này có đủ nguồn lực cũng như kiến thức tài chính để có thể phân tích thị trường một cách chính xác hơn, từ đó đưa ra các quyết định dựa trên những căn cứ khoa học.
Đánh giá việc siết lại tiêu chuẩn về đầu tư TPDN của các TCTD theo Thông tư 16/2021 và Nghị định 65/2022, thị trường đối mặt với những điều chỉnh mạnh, nhất là sau những vụ việc liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát… thanh khoản thị trường co hẹp, giảm đáng kể lực cầu và cung, ông Lực kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi phù hợp những quy định trên với mức độ cân bằng và lộ trình phù hợp giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ phát triển lành mạnh.
“Vấn đề thanh khoản của thị trường TPDN và rủi ro liên thông giữa thị trường TPDN với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023-2024, theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro TPDN này”, ông Lực nhấn mạnh.