Thị trường chứng khoán gần đây tiếp tục đón nhận thêm các thông tích cực, kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền trở lại sôi động hơn, như dự thảo Nghị định 65 về trái phiếu, kế hoạch mở cửa thị trường của Trung Quốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không tăng lãi suất với mức độ mạnh như trước...
Với riêng việc sửa Nghị định 65, có ý kiến cho rằng đây là thông tin tích cực khi các tổ chức phát hành và trái chủ có thêm thời gian thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản đối với các trái phiếu phát hành tới hạn, giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng sẽ “không có gì thay đổi đáng kể” bởi bản chất vấn đề then chốt vẫn là các tổ chức phát hành lấy “tiền đâu” để xoay xở mua lại các trái phiếu từ các nhà đầu tư không chuyên nghiệp, hoặc mua lại khi đáo hạn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT, Giám đốc môi giới Hội sở CTCK Mirae AssetNêu quan điểm về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Tuấn, Founder, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT, Giám đốc môi giới Hội sở CTCK Mirae Asset cho rằng, với dự thảo sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp kéo dài 1 năm (đến 2024) thì sẽ đủ thời gian cho doanh nghiệp xoay xở, tuy nhiên vẫn cần được hỗ trợ.
"Tôi đặt lại vấn đề vừa đề cập là câu chuyện thanh khoản. Các ông doanh nghiệp có thể hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác nhưng bản chất thanh khoản của doanh nghiệp cũng đang có vấn đề", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn phân tích, cơ cấu vốn của doanh nghiệp dựa vào 3 nguồn là tín dụng, cổ phần và trái phiếu. Trong đó ngân hàng là nguồn vốn doanh nghiệp hay dựa vào nhất, nếu Ngân hàng Nhà nước nới lỏng room tín dụng thì doanh nghiệp dễ thở. Còn không thì doanh nghiệp phải tự lo cho mình, ví dụ những bất động sản cao cấp giá trị đến 2-3 triệu USD trong bối cảnh khan hiếm dòng tiền thế này những sản phẩm xa xỉ như vậy sẽ không có nhiều nhu cầu. Vậy thì doanh nghiệp phải cơ cấu lại chiến lược bán hàng, phải chiết khấu nó để có thể hấp thụ được dòng tiền.
Theo đó, lúc này doanh nghiệp phải xem xét trên bảng tài sản của mình có gì? Có tồn kho và các loại tài sản cố định như toà nhà, văn phòng, các loại quỹ đất, nhiều khi một mảnh đất giá trị lớn rất khó bán, doanh nghiệp phải giải được bài toán thanh khoản là hạ giá thậm chí bán lỗ.
Theo ông Tuấn, câu chuyện kỳ vọng hiện tại của thị trường nghiêng về tâm lý nhiều hơn. Ông cho biết, năm 2023 EPS sẽ giảm vì lãi suất tăng lên rất rõ, chi phí tài chính sẽ tăng, doanh nghiệp không bán được hàng nhưng vẫn phải có các chi phí vận hành nên hầu hết các công ty bất động sản trên thị trường phải cơ cấu lại tài sản, cắt giảm chi phí vận hành, bán hạ giá để tìm lại thanh khoản. Cho nên câu chuyện kỳ vọng về cổ phiếu bất động sản ở giai đoạn này là câu chuyện mang tính tâm lý.
Ông Tuấn phân tích thêm, có một vấn đề cần nhìn nhận là nếu giai đoạn bình thường ví dụ năm 2019-2022 thì định giá của nhóm bất động sản rất cao, P/B lên tới 4-5 lần nhưng hiện nay đã về 1,5 – 2 lần. Tức là câu chuyện thanh khoản đã được chiết khấu vào giá trị. Khi đó, cơ hội đầu tư giá trị ở những doanh nghiệp bất động sản này vẫn còn với điều kiện năng lực tài chính khoẻ mạnh, quỹ đất sạch…
Câu chuyện kỳ vọng thị trường bất động sản cũng sẽ liên đới đến nhóm ngân hàng khi nợ xấu giảm đi do được gia hạn, cơ cấu nợ, room tín dụng bơm ra… ngân hàng cũng khoẻ hơn. Không phải ngân hàng nào cũng đầu tư trái phiếu do đó trong hơn 30 ngân hàng thương mại vẫn có thể lọc ra được những ngân hàng khoẻ mạnh hợp lý để đầu tư.
"Như vậy trong bối cảnh này vừa có ngoại hối hỗ trợ vừa có chiết khấu định giá rẻ vừa có hoạt động bổ trợ từ chính sách vĩ mô thì thị trường thường nhìn thấy sự dần đi vào bình ổn. Lạc quan quá cũng không phù hợp mà bi quan quá cũng không phù hợp. Đây là cơ hội chúng ta phải lựa chọn, doanh nghiệp nào khoẻ, khoẻ vì cái gì, tài sản có thanh khoản hay không, ngân hàng có liên đới trái phiếu không, cơ cấu thu nhập thế nào…", ông Tuấn nhìn nhận.
Theo ông Tuấn, nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư hợp lý trong bối cảnh này mà không cần bi quan quá. P/E của thị trường đang khoảng 11 lần, P/B 1,6 lần, trong 22 năm tồn tại của thị trường thì đây mới là lần thứ ba có mức định giá như vậy. Trên một nền tảng vĩ mô như hiện tại, ông Tuấn cho rằng đây là vùng khó lặp lại trong 10 năm tiếp theo.
Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AISCũng nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán AIS đánh giá việc sửa đổi Nghị định 65 sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời, điều này cũng sẽ tạo thêm không gian, dư địa và thời gian cho các doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu lại tình hình tài chính, thoả thuận lại với các trái chủ, hoán đổi tài sản từ trái phiếu sang các tài sản khác.
"Tôi đánh giá các thông tin này sẽ là tốt cho thị trường chứng khoán cùng các doanh nghiệp bất động sản và đang phản ánh vào thị trường. Đợt vừa qua thị trường chứng khoán đã có sự bật hồi khá tốt, mức tăng trung bình từ 20-25%, thanh khoản cũng đã có sự cải thiện", ông Kiên cho biết.
Trước đó thanh khoản thị trường chứng khoán trong tháng 9, 10 chỉ khoảng 10.000 tỷ nhưng từ giữa tháng 11 đến nay thanh khoản đã lên khoảng 15.000-17.000 tỷ đồng, cá biệt có những phiên trên 20.000 tỷ đồng. Khối ngoại cũng đã mua ròng hơn 16.000 tỷ đồng trong tháng 11, nửa đầu tháng 12 mua ròng hơn 6000 tỷ. Tổng giá trị mua ròng đã xấp xỉ 1 tỷ USD.
"Tôi đánh giá điều này khá tích cực, khối ngoại đã có tầm nhìn về triển vọng tốt hơn trong năm 2023 của thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Kiên nói.