Nếu một ngày nào đó không thông qua chính sách ESOP...
Còn nhớ tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) MWG từng phát biểu: “Nếu một ngày nào đó chính sách ESOP của công ty không còn tồn tại, không được thông qua thì đó là dấu hiệu phản ánh thành tích của công ty không thể duy trì, không được đảm bảo trong tương lai…”.
“Ngày nào đó” trong lời ông Nguyễn Đức Tài thực tế đã sớm thành sự thật khi mới đây trong tài liệu dự kiến trình tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra vào tháng 4 tới có nội dung đáng chú ý là ban lãnh đạo MWG sẽ báo cáo về việc công ty sẽ không phát hành cổ phiếu ESOP năm 2022.
Nếu không có ESOP, lương, thưởng, thù lao của HĐQT và ban giám đốc MWG không quá cao - Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 của MWG
Trước đó, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2022, MWG dự định phát hành cổ phiếu cho ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt (ESOP) với tỷ lệ phát hành tối đa 2,5% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành với điều kiện lợi nhuận sau thuế 2022 tăng trưởng tối thiểu 10% so với năm 2021.
Tuy nhiên, năm 2022, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, diễn biến thị trường vốn trong nước nhiều biến động bất thường, lạm phát tăng dần về cuối năm khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, lợi nhuận của MWG lần đầu tiên giảm sau giai đoạn tăng trưởng liên tục suốt từ khi niêm yết trên HoSE (từ năm 2014).
Theo đó, doanh thu của tập đoàn dù tăng hơn 8% so với năm 2021, đạt 133.405 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được 95% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 4.102 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2021 và chỉ bằng 65% kế hoạch.
Đáng chú ý, sau khi đạt đỉnh quy mô nhân sự vào quý 3/2022 với tổng cộng 80.231 nhân viên, đến hết quý 4/2022, quy mô nhân sự của MWG đã thu hẹp còn 73.202 nhân viên, đồng nghĩa với việc MWG đã cắt giảm hơn 7.000 nhân sự chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm. Cuối năm 2022, khoản thưởng phải trả nhân viên của MWG đạt 1.565 tỷ đồng, giảm 45% so với số liệu ghi nhận hồi đầu năm.
Như vậy, cùng với việc cắt giảm quy mô nhân sự, đây cũng là lần đầu tiên MWG không chia cổ phiếu ESOP trị giá hàng nghìn tỷ đồng cho ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt sau nhiều năm duy trì nhằm “giữ chân người tài” và “thúc đẩy tăng trưởng của tập đoàn” như lời ông Nguyễn Đức Tài từng nói.
Và nếu chiếu theo thông lệ những năm trước đó là tăng trưởng lợi nhuận sau thuế từ 10% trở lên, ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt của công ty sẽ được tham gia chương trình ESOP thì khả năng MWG cũng sẽ không phát hành ESOP 2023. Bởi kế hoạch doanh thu và lợi nhuận mà “ông lớn” bán lẻ này đặt ra cho năm nay chỉ tăng trưởng 1 chữ số so với năm 2022. Cụ thể, doanh thu thuần dự đạt 135.000 tỷ đồng, tăng 1% và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2022.
Mục tiêu này đặt ra trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế và giả định sức mua sẽ hồi phục từ quý 3/2023. Còn kết quả sơ bộ ghi nhận những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy giảm mạnh hơn dự báo của MWG. Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra với cả khách hàng trung cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thấp hơn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng thông qua hình thức trả góp.
Đối với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, MWG cho biết, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng diễn ra, thông qua việc họ sẽ lựa sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn. Bách Hoá Xanh đã hoàn thành công cuộc tái cấu trúc và đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số và nỗ lực đạt điểm hòa vốn vào cuối năm.
Tạo ra sự không công bằng với cổ đông?
Nói thêm về câu chuyện ESOP, không chỉ tại MWG, những năm gần đây, ESOP là một trong những hình thức khen thưởng phổ biến tại nhiều doanh nghiệp lớn như FPT, CTD, VNM,…
Với ý nghĩa gắn trách nhiệm của người lao động với doanh nghiệp bằng hình thức thưởng cổ phiếu, hoặc bán cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên với giá ưu đãi, chính sách ESOP được xem là động lực để khuyến khích người lao động cố gắng phấn đấu, nhưng thời gian qua, đối tượng được mua cổ phiếu phát hành từ chương trình ESOP tại nhiều doanh nghiệp lại chủ yếu là các lãnh đạo.
Như tại FPT, mới đây tập đoàn này công bố nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án phát hành khoảng 7,3 triệu cổ phiếu ESOP cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo cấp cao trong năm 2023 và cán bộ nhân viên có thành tích đóng góp trong năm 2022.
Cụ thể, FPT dự kiến phát hành mới hơn 1,8 triệu cổ phiếu ESOP, giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho đối tượng là cán bộ quản lý cấp cao trẻ do HĐQT phê duyệt, có thành tích đóng góp và tiềm năng xây dựng công ty trong tương lai, sẵn sàng cam kết cống hiến lâu dài cho sự phát triển của công ty. Lượng cổ phiếu trên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 10 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Trong khi đó, FPT dự kiến phát hành gần 5,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ nhân viên có level 4 trở lên và một số cán bộ nhân viên có thành tích đặc biệt, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của công ty.
Danh sách nhân viên tham gia mua cổ phiếu đính kèm gồm 179 người. Lượng cổ phiếu trên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Với giá chào bán bằng mệnh giá, tổng giá trị phát hành ESOP 2023 của FPT là 73 tỷ đồng nhưng tính theo thị giá chốt phiên 20/3, số cổ phiếu sắp phát hành này lên tới hơn 5.660 tỷ đồng.
Tương tự, Coteccons (CTD) hồi đầu tháng 3 cũng thông qua việc phát hành 554.785 cổ phiếu theo chương trình ESOP từ cổ phiếu quỹ, chiếm 0,75% số cổ phiếu đang lưu hành cho thành viên ban tổng giám đốc, các quản lý chốt, cán bộ nhân viên của công ty và các công ty con.
Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 73% so với thị giá cổ phiếu CTD trên thị trường. Cổ phiếu sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Nếu cổ phiếu không bán hết, HĐQT công ty sẽ phân phối tiếp cho người lao động phù hợp với giá bán và thời gian hạn chế chuyển nhượng không thay đổi.
Hay quay trở lại với MWG, tháng 2/2022, MWG đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 19,2 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP, chiếm gần 2,7% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của công ty cho ban điều hành/cán bộ quản lý chủ chốt của công ty. Trong đó, hơn 1,39 triệu cổ phiếu phát hành dựa vào kết quả kinh doanh năm 2020 đợt 2 và hơn 17,8 triệu cổ phiếu phát hành dựa vào kết quả kinh doanh năm 2021.
Với giá chào bán bằng mệnh giá, tổng giá trị phát hành ESOP 2021 của MWG là hơn 192 tỷ đồng nhưng nếu tính theo thị giá thời điểm đó, số cổ phiếu ESOP này có giá trị khoảng 2.660 tỷ đồng.
ESOP cũng là câu chuyện được cổ đông MWG đề cập nhiều tại các kỳ ĐHĐCĐ của công ty. Có những cổ đông cho rằng chính sách ESOP tạo ra sự không công bằng với cổ đông bên ngoài khi phải đối mặt với vấn đề pha loãng cổ phần, giảm giá trị đầu tư trên sàn.
Trả lời vấn đề này, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh ESOP là chính sách thúc đẩy tăng trưởng, một phần là để chia sẻ thành quả của công ty với hàng ngàn nhân viên giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực vì tương lai, còn từ góc độ cổ đông đây là chính sách thúc đẩy tăng trưởng của tập đoàn.
Ông Tài khẳng định dù không nhận ESOP nhưng ông vẫn sẽ ủng hộ chính sách này của MWG bởi với vị trí là người lãnh đạo và là cổ đông lớn nhất tại đây, nếu thiệt thì ông là người thiệt nhiều nhất nhưng ông hiểu chính sách này đang đem lại điều gì cho tập thể và đem lại gì cho MWG.
Ngoài ra, Chủ tịch MWG cũng thẳng thắn bày tỏ nếu cổ đông nào không đồng tình với chính sách này có thể rời bỏ MWG và đầu tư cổ phiếu khác.
Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, chính sách ESOP được Chủ tịch MWG nói rằng để chia sẻ với hàng nghìn nhân viên hàng ngày tạo ra thành quả cho công ty. Nhưng cũng theo tiết lộ của vị chủ tịch này tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, công ty có hơn 500 người tham gia chính sách ESOP. Con số này so với mức hơn 73.000 nhân viên của MWG tính đến cuối năm 2022 là quá nhỏ (chưa đến 0,7%). Như vậy, việc các cổ đông lớn nhất của công ty có thể nhận phần lớn số cổ phiếu ESOP, điều này phần nào làm mất đi ý nghĩa động viên tinh thần làm việc, đóng góp của cán bộ nhân viên.
Hơn thế nữa, theo các chuyên gia việc nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của lãnh đạo doanh nghiệp lên, ngược lại sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của các cổ đông khác. Đồng thời, việc giá chào bán cổ phiếu ESOP thấp hơn rất nhiều với thị giá như trường hợp của MWG, FPT hay CTD,… đã làm cho hiệu quả của ESOP không phát huy được hết tác dụng, thậm chí còn gây xung đột lợi ích với nhà đầu tư.