Đánh giá về tình hình an toàn thanh toán, đặc biệt rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, xuyên suốt quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán, có một điểm rất đáng mừng là rủi ro xuất phát từ những lỗi sai đến từ chính các TCTD là không có.
Phát biểu tại Tọa đàm trực tuyến: Đảm bảo an ninh, an toàn cho thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số, do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ tổ chức, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ, công tác CĐS của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng
Nếu như trước đây, ngân hàng phải chuẩn bị một lượng tiền mặt rất lớn để phục vụ người dân, thì nay không còn phải lo lắng về chuyện đó, bởi ngân hàng đã trở thành “ví” của người dân.
Giai đoạn 2020 – 2025 càng minh chứng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Trước năm 2016, khoảng 500 – 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng (TCTD) nhưng đến nay, lượng giao dịch bình quân 1 ngày lên tới 8 triệu giao dịch, với số lượng giao dịch bằng tiền mặt khoảng 900.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD).
Ngoài ra, khoảng 40 ngân hàng đã mở tài khoản thanh toán cho khách hàng với khoảng 11 triệu tài khoản thông qua phương thức eKYC; khoảng 20 ngân hàng mở tài khoản thanh toán thẻ đối với khách hàng thông qua eKYC với số lượng 10,8 triệu. Đây là một trong những kết quả tích cực trong lĩnh vực thanh toán thẻ.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, để đạt được những kết quả tích cực như vậy, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực trong công cuộc CĐS. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xây dựng chiến lược 2021- 2025 nhằm triển khai kế hoạch Chính phủ số và ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành đi đầu với sự tham gia đầu tư của các ngân hàng thương mại (NHTM) với mức đầu tư 15.000 tỷ đồng cho công cuộc CĐS.
Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, trong quá trình CĐS các TCTD và khách hàng cũng sẽ phải đối diện với một số rủi ro. Vấn đề đặt ra là nhìn nhận và đánh giá những rủi ro đó như thế nào?. Thực tế cho thấy, trong bất cứ lĩnh vực dịch vụ nào, dù hiện đại đến đâu thì kẻ gian vẫn tìm đủ mọi cách để phát hiện ra kẽ hở để lợi dụng, từ đó chiếm đoạn tài sản của khách hàng.
Đối với ngành Ngân hàng, một số thủ đoạn lừa đảo thường xuyên được các đối tượng tội phạm sử dụng, có thể kể đến như: Khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như CCCD, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng internet, mua hàng qua mạng... cho kẻ gian; kẻ gian lợi dụng nâng cấp sim điện thoại, nâng cấp gói internet trên sim điện thoại để chiếm đoạt số điện thoại, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng; kẻ gian sử dụng tin nhắn giả mạo, gửi các đường link/brandname chứa mã độc để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng…
“Đánh giá xuyên suốt quá trình CĐS trong lĩnh vực thanh toán, chúng tôi nhận thấy một điểm rất đáng mừng là rủi ro xuất phát từ những lỗi sai đến từ chính các TCTD là không có. Trong quá trình CĐS, Chính phủ, NHNN luôn chỉ đạo đặt chỉ số an toàn lên trên hết, do đó, các TCTD, NHTM khi triển khai hệ thống phần mềm công nghệ đều ưu tiên đảm bảo an toàn một cách tối đa”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên trước những rủi ro TCTD và khách hàng phải đối mặt, TS. Nguyễn Quốc Hùng lưu ý khách hàng cần tỉnh táo, cảnh giác, không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân gì cho bên thứ ba, cẩn trọng khi tham gia không gian mạng để hạn chế tối đa rủi ro, mất tiền cho kẻ gian. Ngoài ra, nếu TCTD và khách hàng có thể phối hợp để nhận thức đầy đủ, cặn kẽ các quy trình nghiệp vụ, các rủi ro trong thanh toán điện tử, đặc biệt nếu khách hàng đảm bảo không cung cấp các thông tin tài khoản cho bất cứ ai thì có thể hạn chế được trên 90% rủi ro.
Để CĐS được toàn diện hơn trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và toàn xã hội nói chung, TS. Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị, cần phải có hành lang pháp lý đầy đủ. Bên cạnh đó, phổ cập tài chính toàn diện đến tất cả người dân, phổ cập CĐS đến mọi người dân là một vấn đề hết sức quan trọng.
Thời gian qua, NHNN và các NHTM cũng đã có rất nhiều hình thức truyền thông, tuy nhiên, mức độ hiểu biết, ý thức sử dụng của người dân về các sản phẩm dịch vụ ngân hàng vẫn còn hạn chế. Đây cũng là một nội dung Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đang chuẩn bị làm. Hiệp hội Ngân hàng sẽ đẩy mạnh truyền thông về tài chính và cảnh báo rủi ro trên các nền tảng chính thức và nền tảng mạng xã hội.
Đối với các TCTD, TS. Nguyễn Quốc Hùng đưa ra khuyến nghị, nên chủ động cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo bằng các hình thức dán thông báo ở các trụ sở, các chi nhánh, phòng giao dịch… để mọi người dân được biết và tránh được những rủi ro mất thông tin, mất tiền.