Thủ tướng yêu cầu có giải pháp điều hành giá, các chính sách về thuế, phí đẩy nhanh tiến độ đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Chỉ thị nêu rõ: Năm 2024 phải là năm bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc.
Để đạt được mục tiêu phấn đấu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu dự án đầu tư công thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền giao, phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, coi đây là nút thắt trong triển khai dự án cần phải tập trung tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất… phục vụ các dự án đầu tư công đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các quy định tại các Luật liên quan.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành giá, các chính sách về thuế, phí và các chính sách khác, góp phần ổn định giá cả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Bộ Xây dựng theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bảo đảm cung cầu, kiểm soát giá vật liệu xây dựng.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án chồng lấn với khu vực quy hoạch khoáng sản của các địa phương.