Trong tuần tới, các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới sẽ chính thức khép lại năm siết chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất, lãi suất được nâng mạnh trong 4 thập kỷ trong nỗ lực để kiềm chế lạm phát cao, tuy nhiên theo nhận định của nhiều chuyên gia, rất đáng tiếc khi mà lạm phát chưa hạ nhiệt còn nền kinh tế nhiều nước đã chững lại.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Tư dự kiến sẽ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản lên ngưỡng từ 4 đến 4,5% lên mức cao nhất tính từ năm 2007 và đồng thời phát đi thông điệp sẽ có thêm các đợt nâng lãi suất vào đầu năm 2023.
Một ngày sau đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất nửa điểm phần trăm. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, Nauy, Mexico, Đài Loan, Colombia và Philippines nhiều khả năng cũng sẽ nâng lãi suất.
Năm nay sẽ kết thúc khác rất nhiều so với khi nó bắt đầu. Vào đầu tháng 1/2022, phần lớn các nhà hoạch định chính sách thừa nhận rằng họ đã sai khi cho rằng tình trạng lạm phát cao của năm 2021 sẽ sớm hạ nhiệt, dù vậy họ vẫn tin rằng họ có thể sớm hạn chế đà tăng của giá cả bằng nhiều biện pháp chính sách khác nhau.
Thay vào đó, có nhiều chỉ số cho thấy rằng tình trạng lạm phát leo thang trên khắp toàn cầu khiến các ngân hàng trung ương buộc phải hành động mạnh tay:
Tính toán của Bank of America cho thấy đã có 275 đợt nâng lãi suất trong năm nay, như vậy cứ mỗi ngày thị trường tài chính giao dịch lại có một lần nâng lãi suất, trong khi đó chỉ có 13 lần hạ lãi suất.
Hơn 50 ngân hàng trung ương trên thế giới đã thực hiện ít nhất 1 lần nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, nhiều ngân hàng trung ương tiếp bước Fed khi làm đi làm lại việc này nhiều lần.
Chỉ số lãi suất toàn cầu của Bloomberg Economics dự kiến sẽ kết thúc năm nay ở mức 5,2%, cao hơn so với ngưỡng 2,8% vào tháng 1/2023.
Dù rằng hiện đang có ngày một nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát đã lập đỉnh tại nhiều nơi, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là điều gì sẽ xảy ra trong năm 2023.
Trường hợp xấu nhất là lạm phát vẫn dai dẳng và suy thoái kinh tế bắt đầu, tạo ra áp lực lạm phát đình đốn cho các ngân hàng trung ương. Còn nếu trong trường hợp tốt nhất, tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng hạ nhiệt đủ nhanh để giúp cho các nhà hoạch định chính sách ngừng nâng lãi suất và cân nhắc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Dù rằng nhiều nhà đầu tư đang dự báo về khả năng Fed sẽ chuyển hướng chính sách tiền tệ, chủ tịch Fed Jerome Powell và chủ tịch ECB Christine Lagarde đều cho biết sự tập trung của họ hiện vẫn là kiềm chế lạm phát ngay cả nếu làm như vậy gây tổn hại đến nhu cầu và hoạt động tuyển dụng.
Fed có thể sẽ bắt đầu hãm tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ bằng việc nâng lãi suất nửa điểm phần trăm trong tuần này, mức mục tiêu của lãi suất cho vay qua đêm sẽ vẫn được nâng lên vào đầu năm 2023.
Việc nâng lãi suất 50 điểm cơ bản sẽ đẩy lãi suất lên ngưỡng 4,25% trong năm 2022, trong năm này, lạm phát leo lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ và các nhà hoạch định chính sách chật vật.
Các quan chức thuộc Fed dự kiến sẽ kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày vào ngày thứ Tư, họ sẽ đón nhận thêm thông tin lạm phát vào ngày thứ Ba khi mà chính phủ Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng toàn phần và chỉ số giá tiêu dùng lõi không tính giá thực phẩm và năng lượng. Còn nếu tính theo năm, cả hai chỉ số đang hạ nhiệt.
ECB sẽ dự kiến nâng lãi suất ước tính 50 điểm cơ bản sau khi lạm phát trong khu vực đồng tiền chung châu Âu hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong 1 năm rưỡi. Thế nhưng khi mà chỉ số giá tiêu dùng hiện vẫn ở mức 10%, việc nâng lãi suất cơ bản đến 75 điểm cơ bản hoàn toàn có thể xảy ra.