Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị được khảo sát của Trung Quốc đang ở mức 5% trong tháng 10, không thay đổi so với tháng 9.
Tính từ đầu năm nay, con số này đạt mức đỉnh 5,6% vào tháng 2, nhưng hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 năm 2021. So với tháng 4/2022, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng lên 6,1% vào tháng sau khi các biện pháp kiểm soát và phong tỏa COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực, bao gồm cả trung tâm tài chính quốc tế Thượng Hải.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ thất nghiệp Quốc đối với nhóm tuổi từ 16-24 đã tăng vọt lên mức kỷ lục là 21,3% trong tháng 6. Kể từ tháng 7, NBS ngừng công bố số liệu với lí do cần cải thiện và tối ưu hóa hơn nữa dữ liệu thống kê lực lượng lao động.
Người phát ngôn của NBS Liu Aihua cho biết vào tháng 10 rằng thị trường việc làm cho các tân cử nhân dự kiến sẽ cải thiện, nhưng từ chối cung cấp mốc thời gian nối lại việc công bố dữ liệu thất nghiệp ở nhóm thanh niên.
Dù số liệu của NBS có dấu hiệu cải thiện, các chỉ số khác cho thấy áp lực lên thị trường việc làm ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn còn.
Chỉ số phụ về việc làm trong khuôn khổ chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đạt mức 48% trong tháng 10, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 9. Tương tự, theo khảo sát của Caixin/S&P đối với khoảng 650 doanh nghiệp sản xuất nhà nước và tư nhân, cho thâý chỉ số việc làm tháng 10 trong khuôn khổ PMI cũng giảm so với tháng trước.
Theo Xu Qiyuan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, các cuộc khảo sát do ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng như NBS thực hiện cho thấy kỳ vọng yếu ớt của người dân về thị trường lao động.
Trong một bài báo do Yicai Media Group xuất bản vào tháng 10, Xu nói: “Nhìn vào tình hình việc làm hiện tại, chỉ số duy nhất về tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị có thể đã không thể hiện rõ áp lực việc làm mà chúng ta phải đối mặt.”
Chỉ số tâm lý việc làm trong cuộc khảo sát quý 2 của ngân hàng trung ương đối với 20.000 hộ gia đình ở 50 thành phố đã giảm xuống 48,7% từ mức 52,3% trong quý 1 năm nay. Theo khảo sát, 44,5% số người được hỏi cho biết họ đang tìm việc làm ở mức “bình thường” và 43,7% cho biết họ đang gặp khó khăn hoặc không chắc chắn về cơ hội việc làm.
Một khảo sát trong quý 3 đối với 800 người gửi tiền do chi nhánh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại tỉnh Hà Bắc công bố vào cuối tháng 10, cũng phản ánh niềm tin không mấy lạc quan vào thị trường lao động, khi chỉ số tâm lý việc làm đã giảm 4,2 điểm phần trăm so với quý trước xuống còn 38,5%. Gần 46% số người được hỏi cho biết đang tìm một công việc ở mức “bình thường.”
Điều này đã đặt ra mối quan tâm về độ tin cậy của dữ liệu thị trường việc làm của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng đánh giá điều kiện việc làm.
Năm 2018, chính phủ công bố tỷ lệ thất nghiệp khảo sát ở thành thị, bao gồm lao động nhập cư ở thành phố và những người có đăng ký hộ khẩu thành thị. Tuy vậy, con số này không bao gồm những người lao động nhập cư đã trở về quê sau khi mất hoặc bỏ việc ở các thành phố. Tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng kể trong đại dịch COVID-19, nhưng dữ liệu thất nghiệp chính thức dường như không bị ảnh hưởng.
Zhang Dandan, phó giáo sư kinh tế tại Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, ước tính tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có thể lên tới 46,5% trong tháng 3. “Khi điều kiện thị trường việc làm không tốt, một bộ phận lớn người lao động sẽ chọn cách chờ và đánh giá hoặc tạm thời rút lui khỏi thị trường lao động.”
Trong năm nay, kỷ lục có đến 11,58 triệu sinh viên đại học đã tốt nghiệp ở Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện trong tháng 3-4 và được công bố vào tháng 5 bởi nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng Zhaopin, hơn 50% sinh viên đại học cho biết họ đã nhận được lời mời làm việc, tăng so với mức 46,7% của năm ngoái. Tuy nhiên, số người trì hoãn tham gia thị trường lao động đã tăng từ mức 15,9% lên 18,9%, dẫn đến lo ngại về triển vọng dài hạn của thị trường lao động của nước này.