Trong đó, mặc dù thu nhập lãi quý II/2024 chỉ đạt 3.859 tỷ đồng, giảm 13,3% so với cùng kỳ nhưng do chi phí lãi giảm mạnh hơn, tới 27,9% giúp ngân hàng ghi nhận khoản thu nhập lãi thuần gần 763 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm trước.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 65 tỷ đồng, nhích nhẹ 1,2% trong khi lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 67,5%, đạt 98 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác tăng gấp hơn 4 lần cùng kỳ, đạt 92 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối trong kỳ không mấy sáng sủa khi báo lỗ tới 205 tỷ đồng, tăng gấp đôi mức lỗ so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do chi về kinh doanh ngoại tệ giao ngay và lỗ từ đánh giá chênh lệch tỷ giá cuối kỳ tăng mạnh so với cùng kỳ.
Trong khi đó, mặc dù lợi nhuận vẫn vượt qua mảng kinh doanh cốt lõi (tín dụng) nhưng lãi từ mảng mua bán chứng khoán đầu tư của ngân hàng cũng ghi nhận giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 764 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong kỳ của ngân hàng đạt 1.592 tỷ đồng, tăng tới 55,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động lại được tiết giảm 1,5% giúp ngân hàng ghi nhận lợi nhuận thuần tới hơn 554 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước, PVCombank lỗ 29 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí/thu nhập của ngân hàng được cải thiện từ 103% quý II/2023 xuống còn 65,2% trong quý II/2024.
Dù vậy, trong quý này, chi phí dự phòng của PVCombank tăng mạnh lên 794 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước, ngân hàng được hoàn nhập 65 tỷ đồng.
Điều này khiến PVCombank ghi nhận mức lỗ tới hơn 239 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế dù ở mức khiêm tốn nhưng vẫn đạt dương, gần 36 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập lãi thuần của PVcomBank đạt 1.012 tỷ đồng, cao gấp 6,6 lần thực hiện của nửa đầu năm 2023. Dù quý II lỗ lớn, lợi nhuận trước thuế sau nửa đầu năm của ngân hàng này vẫn đạt gần 70 tỷ đồng, tăng trưởng 59,1% so với cùng kỳ nhờ kết quả khả quan trong quý I.
Việc PVCombank tăng mạnh trích lập dự phòng diễn ra trong bối cảnh số dư nợ xấu của ngân hàng tiếp tục ở mức cao. Thuyết minh BCTC cho thấy, PVCombank đang có tổng cộng 3.552 tỷ đồng nợ xấu vào cuối quý II/2024, trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 2.840 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80% nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng hiện ở mức 3,42%.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng dù đã được cải thiện mạnh từ mức 32% hồi đầu năm lên 57% khi kết thúc quý II nhưng vẫn ở mức khá mỏng.
Thuyết minh BCTC cũng cho thấy, ngoài nợ xấu nội bảng, hiện PVCombank vẫn đang còn thêm khoản nợ xấu gần 7.832 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu đặc biệt tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam – VAMC. Ngân hàng đã trích lập gần 521 tỷ đồng cho khoản trái phiếu này.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của PVCombank đạt 900,6 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 1,2% so với đầu năm. Trong đó, sự sụt giảm chủ yếu diễn ra ở số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (giảm 60,6%), chứng khoán kinh doanh (giảm 8,9%) và chứng khoán đầu tư (giảm 16,2%).
Trong khi đó, cho vay khách hàng của PVCombank vẫn tăng trưởng khá tốt trong 6 tháng đầu năm, ở mức 5,5%, lên hơn 103,8 nghìn tỷ đồng.
Phân tích dư nợ cho vay theo ngành, báo cáo 6 tháng đầu năm cho thấy, PVCombank đang dồn lực cho hoạt động kinh doanh bất động sản khá lớn. Dư nợ lĩnh vực này tăng thêm hơn 14.000 tỷ đồng sau nửa đầu năm, chiếm tỷ trọng 28,8% tổng dư nợ cho vay, trong khi hồi cuối năm 2023, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản mới chỉ chiếm 15,6% tổng cho vay.
Tỷ trọng cho vay lĩnh vực xây dựng cũng tăng lên 8,1%, so với mức 2,4% vào cuối năm trước, đạt 8.406 tỷ đồng.
Cho vay hoạt động làm thuê các công việc trong các gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tư liệu dùng của hộ gia đình vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, 31,4%, dù vậy, đã giảm khá mạnh so với mức 59,2% hồi cuối năm 2023.
Ở phần tài sản có khác, hiện PVCombank đang có 28.993 tỷ đồng các khoản lãi, phí phải thu, tăng thêm 9% so với đầu năm và chiếm 13,3% tổng tài sản ngân hàng.
Báo cáo cũng cho thấy đến cuối tháng 6/2024, tiền gửi khách hàng tại PVCombank ở mức gần 175,6 nghìn tỷ đồng, giảm 1,4% so với đầu năm. Dù vậy, thanh khoản tại ngân hàng vẫn còn rất dồi dào khi tỷ lệ cho vay/tiền gửi khách hàng mới chỉ ở mức 58%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 7%, cải thiện so với mức 5,8% hồi đầu năm. Phát hành giấy tờ có giá tăng 22,8% so với đầu năm, lên hơn 23,8 nghìn tỷ đồng.