Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa có văn bản thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ/người có liên quan của người nội bộ.
Theo đó, ông Ân Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối pháp chế và Quản trị Doanh nghiệp ngân hàng vừa đăng ký bán ra 2 triệu cổ phiếu VIB bằng phương thức giao dịch khớp lệnh, thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 9/10/2024 đến ngày 7/11/2024. Mục đích thực hiện là do nhu cầu cá nhân.
Trước khi thực hiện giao dịch, ông Sơn đang có hơn 6,69 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 0,225% vốn. Nếu giao dịch diễn ra thuận lợi, số cổ phiếu mà ông Sơn sở hữu dự kiến sẽ giảm xuống còn 4,49 triệu cổ phiếu, tương đương 0,157% vốn điều lệ.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 2/10, cổ phiếu VIB có mức giá 19.550 đồng/cổ phiếu, giảm 1,26% so với phiên trước đó. Ước tính với mức giá này, số cổ phiếu ông Sơn bán ra có giá trị khoảng gần 40 tỷ đồng.
Ở một diễn biến liên quan, trong phiên giao dịch ngày 24/9 vừa qua, thị trường thị trường chứng khoán chứng kiến giao dịch bất ngờ khi khối ngoại bán ra hơn 148 triệu cổ phiếu VIB qua phương thức thỏa thuận, với tổng giá trị lên tới 2.664 tỷ đồng.
Lượng cổ phiếu trên tương đương 4,97% vốn điều lệ của VIB. Ước tính giá bán ra trung bình của khối ngoại là 18.580 đồng/cổ phiếu.
Kể từ đầu tháng 7/2024, khối ngoại bắt đầu bán ra lượng lớn cổ phiếu VIB trong bối cảnh nhà băng này đã khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) ở mức 4,99% (148,7 triệu cổ phiếu).
Trước đó, room ngoại được VIB giới hạn ở mức 20,5% (611 triệu cổ phiếu) và gần như luôn trong tình trạng kín room.
Cũng theo quy định của VIB, cổ đông ngoại chiến lược là ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) không được tăng tỷ lệ sở hữu và chỉ được phép bán ra cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Như vậy, CBA chỉ có thể bán lại cổ phần tại Ngân hàng VIB cho các nhà đầu tư trong nước.
Tính đến ngày 31/7, CBA là cổ đông ngoại lớn nhất tại VIB với tỷ lệ chi phối là 19,84%, tương đương 591 triệu cổ phần (sau khi tăng vốn). Lượng cổ phiếu VIB thuộc sở hữu của CBA chiếm khoảng 97% lượng cổ phiếu VIB do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ.
Đặc biệt, trong phiên 24/9, khối lượng mua vào đối ứng của khối ngoại bằng 0, nên 148 triệu cổ phiếu VIB được bán thoả thuận trong phiên này là cho nhà đầu tư trong nước. Do đó, khả năng cao CBA là cổ đông ngoại bán ra phần lớn hoặc toàn bộ số cổ phiếu VIB.
Trên thị trường, VIB là một trong những cổ phiếu ngân hàng giao dịch khá tích cực trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) đã điều chỉnh khuyến nghị từ Mua xuống Khả quan do cổ phiếu này đã tăng 16,1%.
Giá mục tiêu 1 năm của VIB được khuyến nghị là 19.000 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E và P/B mục tiêu lần lượt là 6,5 lần và 1,2 lần. NIM chịu áp lực khiến kết quả kinh doanh của VIB dự báo sẽ khó có đột phá trong những quý tới.
Kết quả kinh doanh quý II/2024 của VIB suy giảm với lợi nhuận trước thuế đạt 2.103 tỷ đồng, giảm gần 16% so quý trước và giảm 29% so cùng kỳ. ACBS cho rằng VIB sẽ cần phải duy trì trích lập dự phòng ở mức cao, dự báo trên 1.000 tỷ đồng/quý trong nửa cuối năm 2024.
Nhóm phân tích dự báo lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 của VIB đạt 10.747 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,4% so cùng kỳ, và hoàn thành 89% kế hoạch lợi nhuận của ĐHCĐ.