Trong phiên hôm nay (24/9), nhà đầu tư nước ngoài đã có phiên bán ròng đột biến trong đó tâm điểm là cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB).
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ bán thỏa thuận hơn 148 triệu cổ phiếu VIB thu về 2.750 tỷ đồng. Hiện có hơn 2,97 tỷ cổ phiếu VIB đang được lưu hành. Số cổ phiếu mà khối ngoại bán ra hôm nay chiếm đến 4,97% vốn cổ phần VIB.
Trong khi đó, khối lượng mua vào của khối ngoại bằng 0, nên có thể xác định toàn bộ số cổ phiếu này được bán cho nhà đầu tư trong nước.
Kết phiên, cổ phiếu VIB ở mức 19.100 đồng/cổ phiếu, tăng 3,24%, đây là phiên tăng giá thứ 6 liên tiếp của VIB. Từ ngày 17/9 đến nay, cổ phiếu VIB tăng giá hơn 6%.
Ở diễn biến liên quan, tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/6/2024, VIB đã thông qua việc hạ room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống 4,99%.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2024, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài tại VIB vượt tỷ lệ 4,99% vốn điều lệ được tiếp tục duy trì. Cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 4,99% vốn điều lệ được tiếp tục duy trì cổ phần và tỷ lệ cổ phần, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép bán ra cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VIB bằng hoặc nhỏ hơn 4,99%, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phần hoặc mua cổ phần trong đợt phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu hoặc VIB mua lại cổ phần theo quy định pháp luật và Điều lệ VIB.
Việc VIB hạ room ngoại diễn ra khi cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA) đang có kế hoạch thoái vốn.
CBA trở thành cổ đông chiến lược của VIB năm 2010 khi mua lại 15% cổ phần với giá khoảng 4.000 tỷ đồng sau một khoảng thời gian đàm phán từ năm 2009. Một năm sau đó, CBA đã nâng mức sở hữu tại Ngân hàng VIB lên 20%.
Theo dữ liệu danh sách 18 cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ VIB do ngân hàng công bố hồi đầu tháng 8, CBA là cổ đông lớn nhất trong danh sách khi sở hữu hơn 503 triệu cổ phiếu ngân hàng, tương đương tỷ lệ sở hữu 19,84%. 17 cổ đông còn lại bao gồm 13 cá nhân và 4 doanh nghiệp trong nước, sở hữu tổng cộng 53% vốn điều lệ VIB.
Như vậy, có thể CBA chính là cổ đông ngoại bán ra phần lớn hoặc toàn bộ 148 triệu cổ phiếu VIB trong phiên 24/9.
Theo Công ty Chứng khoán DNSE, việc hạ room ngoại của VIB sẽ tạo cơ hội chọn đối tác chiến lược ngoại mới của VIB. Đối tác mới, sau khi lựa chọn xong, VIB hoàn toàn có thể xin "nới" room ngoại trở lại và phát hành riêng lẻ, phát hành cho cổ đông chiến lược...
Đồng thời, việc giới hạn room ngoại sẽ khiến CBA phải bán cổ phần cho nhà đầu tư trong nước. Trường hợp này, có 2 ý nghĩa: CBA khó có thể bán giá cao do việc đàm phán với nhà đầu tư trong nước ở bối cảnh này không dễ. Hai nữa là, VIB sẽ nhân cơ hội lựa chọn nhà đồng hành trong nước khi để đối tác tìm tới CBA đàm phán.