Chấp nhận nợ xấu
Anh Lê Hoàng Kim, chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ may mặc ở quận 12, TP.HCM chia sẻ, vừa qua anh có đi vay ở ngân hàng để kinh doanh. Hằng tháng, anh vẫn cố hoàn thành các nghĩa vụ lãi và gốc cho ngân hàng, song lãi suất tăng cao, cộng thêm tình hình kinh tế khó khăn khiến đang khiến cho doanh nghiệp của anh khó duy trì thiện chí trả nợ.
“Dịch bệnh xong tình hình kinh doanh rất khó nên tôi có vay thế chấp tại ngân hàng để xoay sở. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, lãi suất tăng lên, đối tác lại giảm nhập hàng, nên làm ra bao nhiêu cũng không đủ để trả lãi. Nhân viên ngân hàng nhắc nhở nên cố gắng hoàn thành nợ để không bị lịch sử nợ xấu, dẫn đến sau này khó vay. Tuy nhiên, hiện tại công ty đã hết tài sản đảm bảo, lại ít đơn hàng, nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, tôi không biết khi nào mới có thể kinh doanh bình thường và cần vay vốn lại”, anh Hoàng Kim chia sẻ.
Một trường hợp khác là chị Võ Phương Thanh - chủ một chuỗi cửa hàng trái cây nhập khẩu ở TP.HCM cũng chia sẻ, dù biết không trả nợ đúng hạn sẽ làm xấu hồ sơ tín dụng, dẫn đến khó được vay lại, nhưng trong tình hình hiện tại chị buộc phải chấp nhận việc này.
“Chúng tôi đã phải hao tâm tổn sức rất nhiều mới mở cửa lại được sau dịch. Chưa được bao lâu thì lãi suất tăng, thêm tình hình kinh tế khó khăn. Người tiêu dùng cũng hạn chế mua đồ nhập khẩu nên hoạt động kinh doanh không mấy thuận lợi. Bây giờ, ‘lực bất tòng tâm’, chúng tôi cũng muốn trả nợ đúng hạn, nhưng e là khó. Cách đây khoảng 3 tháng, chúng tôi còn một số mặt bằng kinh doanh thuộc sở hữu của công ty, một số phương tiện vận tải. Tuy nhiên, hiện tại mọi thứ đều đã được thanh lý để bù đắp khó khăn. Mặt bằng, phương tiện tất cả đều chuyển sang thuê ngoài. Có thể sẽ phải mất rất lâu để tích lại nguồn lực và vay vốn lần nữa”, chị Phương Thanh cho biết.
Mặc dù hiện tại lãi suất đã có phần hạ nhiệt so với vài tháng trước nhưng các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ giảm cho các khoản dư nợ mới hoặc các doanh nghiệp làm ăn tốt, trả nợ đúng hạn. Còn những khoản nợ cũ vẫn chịu lãi suất cao khiến các doanh nghiệp, vốn đã làm ăn khó khăn, nay lại khó chồng thêm khó.
Chuyên gia: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân"
Theo chuyên gia tài chính TS.Ngô Ngọc Quang, Đại học Ngân hàng TP.HCM, việc các doanh nghiệp rơi vào tình huống bị nợ xấu trong thời điểm vừa qua có 2 nguyên nhân: 1) lãi suất cao và tình hình kinh doanh khó khăn; 2) không quản lý tài chính tốt.
“‘Tiên trách kỷ, hậu trách nhân’. Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn và môi trường lãi suất cao đã khiến cho doanh nghiệp không thể có một kết quả kinh doanh tốt, song không thể không nhắc đến việc quản lý tài chính chưa tốt đã góp phần không nhỏ vào việc làm tình hình càng khó giải quyết. Trên thực tế, hiện nay có khoảng 90% doanh nghiệp trên thị trường là SME và do ngân sách có hạn, nên phần lớn không có chuyên gia chăm sóc sức khỏe tài chính. Sự hiệu quả trong việc quản lý dòng tiền của các đơn vị này cũng thường ở mức trung bình kém.
Trong tình huống khó khăn như hiện tại, chủ doanh nghiệp có thể làm một số động tác sau để ‘sơ cấp cứu’ cho doanh nghiệp. Cụ thể, đặt mục tiêu đảm bảo dòng tiền lên đầu; rà soát thu hồi công nợ; xem xét và đàm phán với đối tác để thay đổi thời gian bán chịu; điều chỉnh hoạt động sản xuất, tồn kho; cân nhắc điều chỉnh hạ tỷ trọng nợ vay. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, các chủ doanh nghiệp nên tìm sự cố vấn sâu hơn từ các chuyên gia”, TS.Ngô Ngọc Quang chia sẻ.
Ông Quang nói thêm, những khó khăn chỉ là ở hiện tại. Bên cạnh đó, các nhà điều hành cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ. Do đó, các thể nhân và pháp nhân khi vay vốn có thể tận dụng điều này để tránh rơi vào cảnh nợ xấu.
“Theo quy định tại 03/2013/TT-NHNN, thông tin lịch sử nợ xấu của khách hàng vay được CIC cung cấp trong thời gian tối đa 5 năm. Tuy nhiên, theo chính sách cung cấp thông tin của CIC, trường hợp khách hàng phát sinh nợ quá hạn/nợ xấu với dư nợ dưới 10 triệu đồng, CIC sẽ ngừng cung cấp lịch sử tín dụng ngay sau cập nhật thông tin khách hàng tất toán do tổ chức tín dụng báo cáo. Trên cơ sở đó, tôi khuyến nghị, người đi vay nên hoàn thành nghĩa vụ nợ đúng hạn, đặc biệt với những món nợ nhỏ để tránh ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài”, ông TS. Ngô Ngọc Quang khuyến nghị.