Sắt thép là mặt hàng xuất khẩu tỷ đô duy nhất sụt giảm so với cùng kỳ
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến 15/11/2022, trong số 10 nhóm hàng hóa xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sắt thép là nhóm hàng hóa duy nhất có giá trị xuất khẩu tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, tính từ đầu năm đến giữa tháng 11 giá trị xuất khẩu mặt hàng sắt thép mới đạt 7,1 tỷ USD, trong khi cùng kỳ đạt 10,26 tỷ USD, tương đương với mức giảm gần 31%.
Giá trị xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn của Việt Nam lũy kế từ từ 01/01/2022 đến 15/11/2022 và cùng kỳ năm 2021 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) công bố cũng cho thấy, trong tháng 10/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9/2022 và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021; tiêu thụ thép các loại đạt 1,888 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.
Tính chung 10 tháng năm 2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.
Về xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2022, cả nước xuất khẩu 6,99 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá 6,95 tỷ USD, giảm 36,9% về lượng (tương ứng giảm 4,09 triệu tấn) và giảm 28,3% (tương ứng giảm tới 2,74 tỷ USD) về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, sau năm 2021 nhiều thuận lợi, từ quý 2/2022 ngành thép bắt đầu bước vào chu kỳ đi xuống trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng giá thép giảm, cộng thêm tác động từ tăng lãi suất, chênh lệch tỷ giá,… khiến kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp ngành thép sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ trong quý 2 và quý 3.
Tình trạng này đã kéo dài sang cả quý 4 và theo dự báo của VSA, khó khăn của ngành thép có thể sẽ còn tiếp tục trong nửa đầu năm 2023 do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.
Điển hình như trường hợp của Tập đoàn Hòa Phát. Sau quý 3 lỗ đậm 1.786 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đầu ngành thép tiếp tục sụt giảm trong những tháng của quý 4. Theo báo cáo vừa công bố, trong tháng 11/2022 sản xuất thép thô của Hòa Phát giảm 43% so với cùng kỳ 2021, đạt 384.000 tấn, bán hàng các sản phẩm thép cũng giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 443.000 tấn.
Theo doanh nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến tổng lượng tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm là do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước với các sản phẩm thép nhìn chung vẫn chưa được cải thiện. Tiêu thụ thép xây dựng trong nước dù phục hồi nhẹ so với tháng trước nhưng thị trường xuất khẩu giảm hơn 70% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ các sản phẩm thép hạ nguồn cũng gặp khó khăn do thị trường trầm lắng.
Lũy kế 11 tháng, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 7 triệu tấn thép thô, giảm 6% so với 11 tháng 2021. Tiêu thụ thép xây dựng, phôi thép, HRC đạt hơn 6,6 triệu tấn, cùng giảm 6%, chủ yếu do không có đơn hàng xuất khẩu phôi thép như năm trước.
Thậm chí, việc nhu cầu thép giảm mạnh đã buộc Hòa Phát phải xem xét kế hoạch tạm dừng 4 lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương và Khu liên hợp Dung Quất từ tháng 11 để giảm lượng hàng tồn kho và cắt giảm chi phí hoạt động mặc dù chi phí đóng cửa và mở lại mỗi lò cao vào khoảng 40 tỷ đồng và mất từ 5-7 ngày để khởi động lại một lò.
Nhìn nhận về động thái đóng cửa 4 lò cao của Hòa Phát, SSI Research cho rằng mối lo ngại chính trong thời gian tới là nhu cầu thép giảm nhanh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu còn lớn hơn là bản thân việc đóng cửa lò cao. Việc đóng cửa các lò cao có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy quan điểm thận trọng của ban lãnh đạo về triển vọng thị trường thép trong tương lai.
Triển vọng phục hồi biên lợi nhuận không có nhiều điểm sáng
Trong báo cáo triển vọng ngành thép mới đây, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định, ngành thép ít có cơ hội phục hồi trong năm 2023 do tiêu thụ vẫn còn yếu và áp lực tỷ giá cũng như lãi suất lên chi phí tài chính.
Theo VDSC, năm 2023, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế có thể hỗ trợ nhu cầu thép trong nước đặc biệt là thép xây dựng.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đạt 2,87 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn khi tổng chi, đạt 507,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 46,6% kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương.
Do đó, VDSC cho rằng các nhà sản xuất thép xây dựng có thể hưởng lợi (Hòa Phát, Formosa, Pomina…) và giải ngân đầu tư công đã tăng tốc dần trong quý 4/2022.
Tuy nhiên, ngành bất động sản sau một năm 2022 trầm lắng, dự kiến sẽ chưa thể phục hồi trong năm 2023 nên khó hỗ trợ cho nhu cầu thép nội địa tăng trở lại.
Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư và tiêu dùng toàn cầu và gián tiếp là nhu cầu sử dụng thép đã thu hẹp trong năm 2022 do lãi suất tăng và sức mua suy yếu. Điều này sẽ còn tiếp diễn khi làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ được dự báo vẫn kéo dài đến tháng 5/2023.
Chỉ từ quý 3/2023, khi áp lực tăng lãi suất dịu bớt trên toàn cầu nhu cầu thép toàn cầu mới có khả năng tăng trở lại. Theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA), nhu cầu thép thế giới sẽ giảm 2,3% trong năm 2022 và tăng 1% trong năm 2023.
Nhóm phân tích của VDSC cho biết cũng không kỳ vọng một sự bật tăng mạnh về xuất khẩu trong nửa đầu năm 2023, trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại.
VDSC cho biết, nhu cầu giảm kéo giá thép giảm nhanh từ tháng 5/2022 nhưng đà giảm đã chậm dần và giá có xu hướng tạo đáy đầu quý 4/2022. Hầu hết các nhà sản xuất thượng nguồn như Formosa Hà Tĩnh, Hòa Phát, Pomina… đã giảm mạnh huy động công suất. Tình hình tương tự cũng được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới (Trung Quốc, EU, Nhật Bản,…). Nhờ đó, đà rơi của giá thép trên toàn cầu đã được kìm hãm.
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng, cạnh tranh giá bán nội địa giữa các nhà sản xuất Việt Nam sẽ giảm khi hàng tồn kho giá cao tích lũy trong năm 2022 được giải phóng dần trong các tháng tới. Trong khi đó, cạnh tranh xuất khẩu và cạnh tranh với hàng nhập khẩu gia tăng khi nhiều đối thủ lớn (Trung Quốc, Ấn Độ) đẩy mạnh xuất khẩu sang Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2023.
Với giả định các hoạt động kinh tế của Trung Quốc bình thường hóa từ quý 3/2023, tiêu thụ thép của nước này sẽ tập trung vào nội địa. Theo đó, mặt bằng giá thép có thể diễn biến dao động quanh mức hiện tại trước khi tăng dần từ giữa năm 2023 nhờ nhu cầu trở lại tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ và cạnh tranh từ Trung Quốc giảm.
Dù vậy, VDSC cho rằng bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn chưa khá hơn trong ngắn hạn quý 4/2022 trong xu hướng giá thép tiếp tục đi xuống (dù chậm), tiêu thụ yếu cùng với lãi suất ngày càng cao. Triển vọng phục hồi biên lợi nhuận trong năm 2023 cũng không có nhiều điểm sáng.
Theo đó, sau một năm biến động rất mạnh ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraina, giá than luyện cốc, quặng sắt và thép phế sẽ có một năm “êm dịu” hơn khi nhu cầu thép thế giới được dự báo trầm lắng trong năm 2023.
Tương tự giá thép, giá các nguyên liệu sản xuất thép được kỳ vọng dao động trong biên độ hẹp quanh mặt bằng giá cuối năm 2022 do nhu cầu dự trữ nguyên vật liệu của các nhà máy thượng nguồn trên toàn cầu thấp và chỉ nhỉnh hơn vào cuối năm. Biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp, cả thượng nguồn (Hòa Phát, Formosa, Pomina,…) và hạ nguồn (Nam Kim, Hoa Sen, SMC,…) sẽ mở rộng nhẹ từ quý 3 trở đi trên cơ sở xuất khẩu phục hồi.
Tuy vậy, gánh nặng VND mất giá và lãi suất tăng vẫn lớn, tiếp tục ảnh hưởng lên chi phí tài chính. Do đó, các doanh nghiệp đang và sẽ giới hạn tác động của vấn đề tỷ giá và lãi suất thông qua thắt chặt nhu cầu vay mượn và quản trị vốn lưu động chặt chẽ hơn.