Chiều ngày 13/4, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024.
Chia sẻ ngay đầu đại hội, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG đã gửi lời cảm ơn đến các cổ đông đã đồng hành cùng công ty vượt qua năm 2023 đầy thách thức dù hiệu suất đầu tư không như mong đợi.
"Cổ phiếu MWG không đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư năm 2023 nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn giữ cổ phiếu và tin vào tương lai. Đây là điều có giá trị với tập đoàn", ông Tài nói đồng thời, gửi lời xin lỗi cổ đông vì một năm đầu tư vào MWG không đem lại hiệu quả.
Ông khẳng định tập đoàn sẽ nỗ lực để cải thiện hiệu quả kinh doanh trong năm 2024 và kỳ vọng hiệu quả này sẽ phản ánh lên giá trị doanh nghiệp và hiệu suất đầu tư của cổ đông.
Trong năm 2024, MWG đặt mục tiêu doanh thu thuần 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% về doanh thu và gấp hơn 14 lần về lợi nhuận so với năm 2023. Tại hội nghị nhà đầu tư trước đó, ông Tài tự tin có thể đạt được mục tiêu này.
Còn theo báo cáo của ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc tài chính MWG tại ĐHĐCĐ, ước tính quý I/2024, doanh thu của MWG đạt 31.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 17% so với cùng kỳ năm trước. Với con số này công ty ước đạt hơn 25% mục tiêu doanh thu cả năm.
Theo ông Linh, doanh thu tăng trưởng khoảng 17% với chính sách tái cấu trúc thực hiện năm ngoái và gần đây chứng tỏ MWG đã hiệu quả hơn về chi phí. "Nhìn chung tình tình rất khả quan, số liệu chính xác sẽ công bố vào cuối tháng 4", ông Linh cho biết.
Với chuỗi Bách Hóa Xanh, ông Linh cho hay, trong năm 2023 chuỗi này lỗ 1.215 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm ngoái ban lãnh đạo công ty đặt mục tiêu năm nay Bách Hóa Xanh tối thiểu phải có lãi và đang cố gắng chạy theo mục tiêu đó.
Trả lời cổ đông về dự phóng con số lợi nhuận của chuỗi Bách Hóa Xanh trong tương lai, ông Phạm Văn Trọng CEO Bách Hóa Xanh cho biết cá nhân ông tin rằng khoảng 1-2 năm nữa, chuỗi bán lẻ này có thể đạt được lợi nhuận 4 con số.
Có thể đóng tiếp cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh nếu kém hiệu quả
Còn về chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, ông Đoàn Văn Hiểu Em thông tin, hai chuỗi này tăng trưởng doanh thu khoảng 10% trong quý I. Với việc tối ưu chi phí nên lợi nhuận của hai chuỗi cũng khả quan, sẽ thông báo chính thức vào cuối tháng.
Dù sức mua của thị trường vẫn chưa có nhiều khả quan nhưng ban lãnh đạo nhận thấy có nhiều cơ hội, với chiến lược nước chảy chỗ trũng, hai chuỗi sẽ tiếp tục gia tăng những dòng sản phẩm hiện hữu, đồng thời tăng cường marketing khuyến mãi và các giải pháp tài chính để bán hàng, tăng giá trị đơn hàng, nhất là trong thời điểm sức mua khó khăn như hiện nay.
"Dù kết quả năm nay thế nào thì Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tự tin tiếp tục gia tăng về doanh thu và lợi nhuận", ông Hiểu Em nói.
Theo ông Hiểu Em, trong 2-3 năm tới Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh không có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng, thậm chí có thể đóng cửa bớt các cửa hàng kém hiệu quả để vận hành tốt hơn. Dư địa để hai chuỗi tăng doanh thu và lợi nhuận vài năm tới là tập trung khai thác thêm 40% thị phần còn lại của thị trường (hiện hai chuỗi đã chiếm 50-70% thị phần tùy ngành hàng) thông qua các giải pháp tài chính, giao nhận hay bảo trì cho khách hàng.
Song song đó, hai chuỗi cũng bước vào giai đoạn giảm lượng tăng chất, "trước đây cơ thể ì ạch do mập lên thì giờ phải cho cơ thể thật sự linh hoạt".
Về chiến lược bán hàng online, ông Hiểu Em cho biết, công ty đang chú trọng phát triển mảng này vì bán hàng online đang đóng góp tới 20% doanh thu cho tập đoàn. Xu thế sắp tới online sẽ tiếp tục thay đổi và công ty sẽ cải tiến để theo kịp xu hướng. Công ty cũng đang đề ra chiến lược cạnh tranh giá về online và offline để tiếp tục giữ vị thế đang đi đầu thị trường.
Về chiến lược với sản phẩm Apple, trong quá khứ có sự chênh lệch lớn giữa online và offline. Online thường rẻ hơn rất nhiều. Ở thời điểm hiện tại công ty đã đề ra những chiến lược để rút ngắn khoảng cách và chênh lệch hiện nay hầu như không có. MWG đang đi đầu trong cạnh tranh các sản phẩm Apple và các sản phẩm khác.
Với chuỗi An Khang, ông Hiểu Em cho biết, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng hiện là 450 triệu đồng, nhưng vẫn chưa hòa vốn. "Chúng tôi tính toán toán nếu doanh thu cải thiện từ 450 triệu lên 550 triệu thì có thể hòa vốn. Do đó, công ty đang trong lộ trình để thực hiện mục tiêu này, cho đến đó thì chưa có kế hoạch mở rộng nhà thuốc", ông nói.
Lãnh đạo MWG cũng thừa nhận, với doanh thu bình quân 450 triệu đồng/nhà thuốc thì An Khang chưa xứng với tầm vóc của MWG. Hiện chuỗi nhà thuốc này đã hoàn tất các công việc quan trọng để có đà đạt được kết quả tích cực thời gian tới. Trong năm nay, ban lãnh đạo tập đoàn sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận phát triển chuỗi này xứng tầm.
Còn về chuỗi Erablue tại Indonesia, ông Hiểu Em cập nhật đến hết quý I/2024, chuỗi có 55 cửa hàng, có 2 mô hình cửa hàng là mini và super mini, lần lượt doanh thu 4,5 tỷ đồng và 2,5 tỷ đồng, so với Việt Nam thì cao hơn rất nhiều, đạt cấp độ hòa vốn EBITDA ở cấp độ shop và chỉ còn một chút nữa là có thể đạt hòa vốn ở cấp độ công ty.
"Trong năm nay, chuỗi có kế hoạch mở mới nhưng không quá 100 cửa hàng. Khi đạt được điểm hòa vốn ở cấp độ công ty thì năm sau và những năm tiếp theo có thể tiếp tục mở rộng, trong kế hoạch đến 2027 đạt 500 cửa hàng", ông Hiểu Em chia sẻ.
Kết quả quý I/2024 có cú xoay chuyển rất ngoạn mục
Chia sẻ ở cuối đại hội, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng hoạt động của tập đoàn năm nay có thể ổn. Trong đó, Bách Hóa Xanh đã bước vào giai đoạn mới, có thể đứng lên để đem tiền về cho tập đoàn.
Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã phá thế giá trong năm ngoái và duy trì được thị phần, đây là nền tảng quan trọng để một sự xoay chuyển nhẹ cũng có thể đưa MWG quay lại ngay. Dù có đóng cửa các cửa hàng nhưng doanh thu vẫn tăng trưởng thì cố gắng sẽ có lợi nhuận tốt.
"Lợi nhuận quý này dự kiến gấp nhiều lần cùng kỳ, hành động quyết định giữ vững thị phần trong năm vừa rồi giúp cho kết quả quý I/2024 có cú xoay chuyển rất ngoạn mục, lợi nhuận nhóm điện thoại và điện máy do đó vẫn đóng vai trò trụ cột.
Với chuỗi An Khang, ông Tài thừa nhận đây là một thách đố của tập đoàn, tập đoàn chưa tìm ra được mô hình kinh doanh thu hút được khách hàng, có thể mất vài tháng thậm chí đến hết năm và khi tìm được công thức thì sẽ mở rộng nhanh.
Trong khi đó, chuỗi AVAKids mục tiêu sẽ đứng đầu về bán online cho mẹ và bé. Bởi không có lý do gì người mẹ ra cửa hàng chỉ để mua hàng cho con cái. Mục tiêu của MWG là sẽ tạo ra thêm sự lựa chọn cho các bà mẹ, mọi thứ trước đó đang kém hiệu quả và công ty sẽ chấm dứt tình trạng đó. AVA đang đứng trước ngưỡng hoặc có thể bứt phá ngoạn mục hoặc có thể đóng cửa.
Với mô hình Era Blue ông Tài khẳng định ban lãnh đạo MWG vẫn có niềm tin, lần này hợp tác với đối tác bên Indonesia để bù đắp các thế mạnh của nhau, có thể kỳ vọng trở thành "ông kẹ" ở thị trường này.
ĐHĐCĐ của MWG đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 5% (500 đồng cho mỗi cổ phiếu) trong năm 2024, với tổng số tiền hơn 730 tỷ đồng.
Đồng thời, thông qua phương án mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ trong năm 2024 với ngân sách tối đa là 100 tỷ đồng.
Cổ đông MWG cũng thông qua kế hoạch sẽ phát hành ESOP với tỷ lệ 1% nếu hoàn thành 110% kế hoạch lợi nhuận, mỗi 1% lợi nhuận sau thuế vượt mức 110% kế hoạch, tỷ lệ ESOP sẽ được cộng thêm 0,05% nhưng không vượt quá 2%, tức không quá 29,25 triệu cổ phiếu. Giá bán cổ phiếu ESOP theo kế hoạch là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2025. Còn nếu doanh nghiệp đạt hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024 ở mức dưới 110%, kế hoạch ESOP sẽ không được thực hiện.
MWG có thể điều chỉnh giảm 80% của tỷ lệ phát hành ESOP nêu trên nếu diễn biến trung bình của giá cổ phiếu MWG trong năm nay so với 2023 không đạt hiệu suất tốt hơn tối thiểu 10% so với diễn biến trung bình của chỉ số VN-Index năm nay so với 2023.
Ngoài ra, chia sẻ tại đại hội, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, năm nay MWG đang đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 2.400 tỷ đồng, cuối năm nay tập đoàn dự kiến dành 20% chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, 20% nữa để mua cổ phiếu quỹ. Việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ được thực thi dù năm sau cổ phiếu lên như thế nào. "Mua cổ phiếu quỹ là chiến lược tăng sở hữu của cổ đông hiện hữu, mang lại giá trị cho cổ đông, chứ đây không phải là công cụ để kéo giá cổ phiếu", ông Tài nói.