Quý 3/2022, CTCP Xây dựng Coteccons (mã: CTD) đạt doanh thu thuần hơn 3.113 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng phi mã từ 1.054 vào quý 3/2021 tỷ lên 3.081 tỷ đồng. Chi phí lãi vay, chi phí quản lý cùng các chi phí khác cùng tăng mạnh đã khiến Coteccons lỗ ngược 3 tỷ đồng trước thuế.
Điều này kéo biên lãi gộp quý 3/2022 của Coteccons xuống 1,1%, góp phần đưa tỷ suất lợi nhuận gộp 9T2022 giảm xuống còn 3,8%.
Quan sát tình hình kinh doanh hiện tại, theo báo cáo phân tích của Mirae Asset, Hội đồng quản trị CTD đang rất quyết liệt trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp, đồng thời dự kiến sẽ tăng mạnh thêm khoản trích lập dự phòng trong quý cuối năm, khiến doanh nghiệp chịu lỗ trong năm 2022.
Cho cả năm 2022, Mirae Asset ước tính, CTD sẽ đạt doanh thu 10.440 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) tăng gấp rưỡi lên 793 tỷ đồng, đồng thời CTD cũng tăng trích lập dự phòng thêm hàng trăm tỷ đồng.
Kết quả, Mirae Asset đã hạ kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2022 của Coteccons từ 5% xuống còn 3,5%. Đơn vị này dự phóng Coteccons lỗ khoảng 110 tỷ đồng năm 2022, không hoàn thành kế hoạch đề ra. Trước đó, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu năm nay là 15.010 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 20 tỷ đồng.
Nguồn: Mirae Asset
Mirae Asset nhấn mạnh thêm: “Theo ban lãnh đạo, các khoản nợ phải thu của Coteccons trong Quý 3/2022 là 1.800 tỷ đồng. Trong đó, công ty đã trích lập dự phòng 700 tỷ đồng cho 3 khách hàng là: Ngôi Sao Việt, Triton, Kenton. Chúng tôi lưu ý rằng việc trích lập dự phòng cho các khoản phải thu cũ này vẫn chưa được thực hiện mặc dù chúng phát sinh từ các dự án đã hoàn thành cách đây vài năm và vẫn chưa được thanh toán bằng tiền mặt.
Trong hai năm qua, do Coteccons đang tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp sâu rộng, các thành viên HĐQT đã tích cực trích lập dự phòng cho các khoản phải thu lâu năm này để bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn” .
Hơn nữa, việc dự án The Spirit of Saigon (Khu tứ giác Bến Thành) bất ngờ thay đổi nhà thầu thi công và chậm tiến độ có thể buộc Coteccons phải trích lập thêm một khoản dự phòng vào quý 4.
Coteccons còn đối mặt với áp lực giá vốn đầu vào khi các nguyên vật liệu chính và chi phí nhân công tăng mạnh. Đây là lí do biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp xuống thấp như ở quý 3 và dự phóng cả năm.
Tuy nhiên, Mirae Asset kỳ vọng biên lãi gộp của Coteccons đã chạm đáy và có thể hồi phục chậm trong năm 2023, vì giá các vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng, trang thiết bị...) hiện đang "cầm chừng''.
Cho năm 2023, Mirae Asset cho rằng Coteccons vẫn có backlog (giá trị hợp đồng để lại) lên đến 17.000 tỷ đồng để đảm bảo cho sự tăng trưởng năm tới. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng vẫn tiếp tục gặp thách thức từ thị trường bất động sản đóng băng.