
Định vị thị trường
Lo lắng về thuế quan của Tổng thống Trump tiếp tục ảnh hưởng tới các thị trường chứng khoán châu Á. Các chỉ số NIKKEI 225 (-2,75%), SET (-2,9%), KLSE (-1,05%), STI (-2,62%) tiếp tục giảm điểm khá mạnh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giảm điểm mạnh nhất lịch sử và cũng cần phải cân bằng lại lực bán trong phiên cuối tuần. Đã có thời điểm, VN-Index giảm hơn 70 điểm xuống 1.158 điểm trong phiên giao dịch nhưng những nỗ lực hấp thụ lực bán đã xuất hiện giúp chỉ số đóng cửa trên 1.200 điểm.
Chất xúc tác
Ảnh hưởng của thuế quan không chỉ tác động tới thị trường chứng khoán mà trên kênh ngoại hối, giá bán USD hiện cũng đang vượt qua ngưỡng 26.000 VND/USD. Đây là diễn biến đi ngược hoàn toàn với việc chỉ số DXY đã giảm mạnh xuống gần 102 điểm trong đêm qua.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cho thấy những động thái theo dõi sát diễn biến thị trường nhưng chưa có đợt phát hành tín phiếu mới. Trong ngày hôm qua, NHNN hút ròng 1.644,58 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 93.593,11 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố; không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.

Còn với thị trường chứng khoán, diễn biến tâm lý của nhà đầu tư đang xáo trộn mạnh thể hiện qua thanh khoản liên tục phá kỷ lục. Sau phiên khớp lệnh kỷ lục, thanh khoản vẫn tiếp tục tăng thêm 9,2% lên 1.875 triệu đơn vị.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh với quy mô đạt trên 2.800 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu Bluechips như FPT (-531 tỷ đồng), ACB (-449 tỷ đồng), MBB (-426 tỷ đồng), VCB (-368 tỷ đồng), SSI (-278 tỷ đồng), TPB (-195 tỷ đồng)…
Vận động thị trường
Ở góc độ tích cực, không thể phủ nhận thị trường chứng khoán đang sôi động chưa từng thấy. Bên bán có thể "tháo chạy" do tâm lý lo ngại nhưng cũng không ít nhà đầu tư đang rơi vào tình trạng giải chấp do thị trường giảm sốc.
Cùng với đó là đà giảm của phiên hôm qua thực tế vẫn chưa được triệt tiêu hết, dẫn đến thị trường còn thủng tiếp mốc 1.200 điểm ngay đầu phiên sáng và xuống mức thấp nhất 1.158 điểm.
Những nỗ lực tăng điểm của một số mã trong VN30 đã xuất hiện khá sớm nhưng phải đến phiên chiều sự quyết liệt mới được ghi nhận - thời điểm sau khi các CTCK thực hiện bán giải chấp.
Các mã LPB (+7%), VIC (+3,7%), VNM (+3,5%), SHB (+3%), SSB (+2,7%), STB (+2,3%), VHM (+2%) đã đóng cửa trong sắc xanh, trong đó LPB tăng trần.
Nhiều cổ phiếu lớn khác sau khi xuất hiện giá sàn cũng thu hẹp được đà giảm như FPT (-0,4%), VCB (-0,5%), CTG (-0,9%), TCB (-1%), MBB (-0,9%). Cả rổ VN30 chỉ còn lại 3 mã giảm sàn là BVH (-6,9%), GVR (-6,9%), BCM (-7%).
Bức tranh thị trường chung cũng có thêm những hy vọng từ một số cổ phiếu Midcap như VCG (+2,73%), HAH (+4,63%), VCI (+1,93%), GEE (+6,62%) đã có sự hồi phục mạnh.
Tuy nhiên, những trường hợp giảm sàn khác vẫn còn như DIG, NKG, CII, BSR, PVD, DBC, CTD, DCM, NLG, HDC, cho thấy thị trường vẫn cần thêm thời gian để ổn định lại tâm lý.
Dù sao, VN-Index cũng đã kịp thời giữ lại mốc 1.200 điểm: đóng cửa tại 1.210,67 điểm (-1,56%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 42.210 tỷ đồng.
2 sàn còn lại không còn giảm đồng loạt. UPCoM-Index đã tăng 0,61% đi ngược lại HNX-Index (-1,8%). Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 3.000 tỷ đồng.