
Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025 dự kiến diễn ra ngày 25/4 tới đây tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội, FPT Retail dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2025 với mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 48.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 71% so với thực hiện năm 2024. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, FPT Retail sẽ phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận.
FPT Retail đánh giá động lực tăng trưởng chính vẫn là chuỗi nhà thuốc Long Châu khi ngành dược phẩm có tính thiết yếu, ít chịu tác động từ biến động kinh tế vĩ mô và còn nhiều dư địa tăng trưởng. FPT Retail hướng đến làm chủ công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng AI trong chăm sóc sức khoẻ và cung cấp dịch vụ, nâng cao hiệu quả vận hành và tối ưu hoá người dùng.
Năm 2024, FPT Retail ghi nhận doanh thu đạt 40.104 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 527 tỷ đồng và 408 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với kế hoạch đề ra và cải thiện đáng kể so với số lỗ sau thuế hơn 329 tỷ đồng của năm 2023. Trên cơ sở đó, HĐQT đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25% cho năm 2024.
Ngoài ra, HĐQT FPT Retail cũng trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh là hoạt động trung gian tiền tệ khác (hoạt động đại lý thanh toán). Lý do doanh nghiệp đưa ra là để tận dụng lợi thế mạng lưới cửa hàng trên toàn quốc.
Tính đến cuối năm 2024, FPT Retail sở hữu hệ thống 2.703 cửa hàng trên cả nước. Trong đó, Long Châu mở rộng với 1.943 nhà thuốc, tăng 446 nhà thuốc so với thời điểm đầu năm; FPT Shop giảm 121 điểm bán còn 634 cửa hàng. Hệ thống trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu cũng được mở rộng với 126 trung tâm trải khắp 54 tỉnh thành, tăng 116 trung tâm so với đầu năm 2024.
Một số công ty chứng khoán đưa ra dự báo lạc quan về hoạt động kinh doanh của FPT Retail. SSI đánh giá Long Châu có lợi thế cạnh tranh rõ rệt trong bán lẻ dược phẩm (bán nhiều loại thuốc kê đơn hơn giúp giành thị phần không chỉ từ các cửa hàng thuốc tư nhân nhỏ lẻ mà còn từ các nhà thuốc bệnh viện).
Công ty còn tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng để giành thị phần, trong khi các đối thủ cạnh tranh đang thu hẹp do mô hình kinh doanh không phù hợp (chủ yếu tập trung vào thuốc không kê toa và mỹ phẩm). Đơn cử, Pharmacity bắt đầu thu hẹp mạng lưới cửa hàng từ năm 2023, trong khi An Khang giảm 40% số lượng kể từ tháng 6.
SSI Research dự báo FPT Retail sẽ mở 400 nhà thuốc mỗi năm trong giai đoạn 2024-2025 để giành thị phần từ các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ và các nhà thuốc bệnh viện, chiếm hơn 85% thị trường nhà thuốc. Với những ước tính trên, SSI định giá Long Châu vào khoảng 36.754 tỷ đồng (gần 1,5 tỷ USD, FPT Retail hiện sở hữu 75% cổ phần).
Chứng khoán Maybank nhận định FRT đang dần bước vào chu kỳ tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ với dự báo mức tăng trưởng trung bình hàng năm (CAGR) đối với lợi nhuận sau thuế trong giai đoạn 2024 - 2028 lên tới 42,2%. Đà tăng trưởng này được dẫn dắt bởi sự phục hồi của mảng bán lẻ sản phẩm công nghệ và sự bứt phá mạnh của mảng bán lẻ dược phẩm/chăm sóc sức khoẻ. Trong đó, FPT Long Châu sẽ là “đầu tàu tăng trưởng” trong vòng 5 năm tới.
Trái ngược với kết quả kinh doanh được dự báo tích cực, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FRT đang trải qua nhịp giảm mạnh, sau khi lập đỉnh vào phiên 24/1 với mức giá lên đến 210.000 đồng/cổ phiếu, tính đến hết phiên ngày 3/4, FRT đã giảm 33%. Trước khi giảm điểm, cổ phiếu FRT đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, thị giá gần gấp đôi trong năm 2024 để tiến lên đỉnh lịch sử.