
Ngày 21/2, tại cuộc họp nhà đầu tư, ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) cho biết, năm 2025, tập đoàn bán lẻ này đặt kế hoạch doanh thu thuần kỷ lục 150.000 tỷ và lãi sau thuế 4.850 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 30% so với năm 2024.
Đồng thời, ban lãnh đạo MWG cũng chia sẻ những định hướng phát triển của các mảng kinh doanh trong năm nay và kỳ vọng các mảng sẽ duy trì tăng trưởng, đóng góp vào kết quả chung của tập đoàn.
Đẩy mạnh mở mới cửa hàng Bách Hóa Xanh tại miền Trung
Trong kế hoạch của MWG, năm 2025, mảng bán lẻ sản phẩm công nghệ và điện máy - chuỗi Thegioididong.com (bao gồm Topzone) và Điện Máy Xanh - vẫn là trụ cột đóng góp hơn 60% doanh thu và mang lại phần lớn lợi nhuận cho tập đoàn. Mục tiêu của hai chuỗi này là tăng trưởng doanh thu trên 4.000 tỷ đồng và tiếp tục gia tăng thị phần trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa khởi sắc.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo MWG cũng đặt nhiều kỳ vọng vào mảng bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng - chuỗi Bách Hóa Xanh.
Năm 2025, theo kế hoạch Bách Hóa Xanh sẽ đóng góp hơn 30% doanh thu cho MWG và dự kiến mang về lợi nhuận lớn hơn. Ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc tài chính MWG cho biết, kế hoạch năm nay của Bách Hóa Xanh là tập trung vào tăng trưởng doanh thu, với doanh thu tăng thêm tối thiểu 7.000 tỷ đồng (cả năm đạt khoảng 48.000 tỷ đồng) và kỳ vọng lợi nhuận trên 500 tỷ đồng.
Để tăng doanh thu và mở rộng thị trường, trong năm nay, Bách Hóa Xanh sẽ đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu cửa hàng cũ bằng các giải pháp chuyên biệt cho từng nhóm cửa hàng đặc thù.
Đồng thời, chuỗi sẽ mở mới 200-400 cửa hàng, trong đó, 70% mở ở khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đổ vào) và 30% mở ở các địa phương hiện hữu.
Theo Giám đốc Tài chính MWG, doanh nghiệp không thấy rủi ro đáng kể nào với kế hoạch mở mới này và đang đẩy nhanh tiến độ triển khai.
"Hầu hết cửa hàng mới trong thời gian qua đều đạt điểm hòa vốn trong vòng 3-6 tháng nhờ kiểm soát tốt chi phí. Vì vậy, việc mở rộng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm nay", ông Linh cho biết.

Bên cạnh mở rộng hệ thống, Bách Hóa Xanh cũng đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu online ít nhất 300% so với năm 2024, hướng đến vị trí chuỗi bán lẻ có doanh thu online lớn nhất.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng, sự an toàn của sản phẩm đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống và tìm kiếm và khai thác các cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng FMCGs. Song song đó, là gia tăng hiệu quả hoạt động bằng cách tiếp tục tối ưu chi phí vận hành cửa hàng và chi phí kho vận.
Với những chiến lược trên, tầm nhìn của Bách Hóa Xanh là trở thành chuỗi bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam với doanh thu 10 tỷ USD trước năm 2030.
Tham vọng doanh thu 10 tỷ USD có quá tầm?
Trước băn khoăn liệu của các nhà đầu tư về mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD trước năm 2030 của Bách Hóa Xanh liệu có quá tham vọng hay không, Chủ tịch HĐQT MWG Nguyễn Đức Tài khẳng định đây không phải là giấc mơ hảo huyền mà là điều công ty đang quyết tâm thực hiện và nỗ lực thực thi trong vòng vài năm tới.
"Nếu nhìn vào quy mô thị trường khoảng 50-60 tỷ USD, Bách Hóa Xanh chỉ lấy được 10 tỷ USD, tức là chỉ chiếm 20% thị phần, thì đây không phải là ước mơ hảo huyền và không phải cái gì đó quá khó. Đối với những ngành hàng khác chúng tôi còn lấy hơn một nửa thị phần, có những thương hiệu còn giành được hơn 80%", ông Nguyễn Đức Tài nói.
Dù vậy, Chủ tịch MWG cũng thừa nhận với mô hình hiện tại, việc đạt được con số trên không dễ. Bởi, người tiêu dùng đang mua sắm không phải chỉ ở các mô hình siêu thị mini mà còn rất là đa dạng từ chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, siêu thị nhỏ đến các kênh online. Do đó, để giành được 20% thị phần, Bách Hóa Xanh phải kết hợp rất nhiều mô hình khác nhau, kể cả offline và online chứ không phải chỉ ở mô hình siêu thị chuẩn 150m2 như hiện nay.
Chia sẻ thêm về chiến lược phát triển Bách Hóa Xanh, ông Vũ Đăng Linh cho rằng thói quen tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh. Trong đó, mua sắm online đang tăng trưởng nhanh, song phần lớn thực phẩm và hàng tiêu dùng hằng ngày vẫn được mua từ chợ truyền thống.
Theo ông Linh, với sự thay đổi nhanh của bối cảnh hiện tại, sắp tới, mô hình tiêu dùng truyền thống sẽ có nhiều thay đổi, xu hướng dịch chuyển dần sang mô hình mua sắm hiện đại hơn sẽ là tất yếu. Đây sẽ là cơ hội để cho Bách Hóa Xanh gia tăng doanh thu.
Thực tế, ông Linh cho biết, trong năm 2024, khi bán lẻ hàng tiêu dùng chỉ tăng trưởng khoảng 5-6%, nhưng Bách Hóa Xanh vẫn tăng trưởng doanh thu trên 30%. Điều đó, chứng tỏ thị phần của Bách Hóa Xanh đã được cải thiện, tăng lên rất là nhiều nhờ sự thu hẹp của kênh bán hàng truyền thống.
Đồng tình với quan điểm của ông Linh, Chủ tịch MWG cho biết, mô hình chợ truyền thống đang dần bị thu hẹp và sẽ gặp khó khăn trong tương lai. Đây không còn là vấn đề muốn hay không muốn, mà nhìn vào các nước xung quanh Việt Nam, mô hình này đã chứng tỏ không còn phù hợp, kể cả xét về chất lượng lẫn sự tiện lợi dành cho người tiêu dùng, nhất là giới trẻ.
"Trong xu hướng dịch truyền đó, những mô hình kinh mua sắm hiện đại sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở chỗ khi thị trường dịch chuyển, ai là người giành được nhiều thị phần hơn, đó là người chiến thắng", ông Tài nhấn mạnh.