Đề cập tới biến động các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng đến M&A ở các thị trường lớn như EU, Mỹ… cũng như Việt Nam, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư Nhật Bản không cảm nhận rõ ràng về tác động từ kinh tế vĩ mô đến Nhật Bản và thế giới.
Với thị trường tài chính, giảm giá đồng Yên là điều rõ ràng, đã diễn ra từ đầu năm do chính sách quản lý tiền tệ của Ngân hàng Trung ương (NHTW) Nhật Bản. Nhưng chính sách, thay đổi chính sách giữa NHTW Nhật và quỹ dự trữ quốc gia có sự khác nhau. Quỹ dự trữ có tăng nhanh về lãi suất trong khi NHTW muốn giữ nguyên chính sách, lãi không thay đổi, chính sách nới lỏng tiền tệ trong ngắn hạn vẫn duy trì. Tác động sẽ nhìn thấy trong quý 1/2023.
Các giao dịch quốc tế được tính bằng USD, sự giảm giá đồng Yên có tác động tiêu cực trong ngắn hạn với nhà đầu tư Nhật. Nhưng, lãi suất và tiền Yên thấp đi lại có tác động tích cực với nhà đầu tư Nhật ở khía cạnh khác.
Chia sẻ tại diễn đàn M&A ngày 23/11, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam cho biết, có 4 yếu tố cần lưu ý về nhà đầu tư Nhật Bản hiện nay: Một là, các công ty Nhật tích lũy được nhiều ngoại tệ, bù trừ cho sự mất giá của đồng Yên. Hai là, các công ty Nhật cũng nhận ra họ đã bỏ qua nhiều cơ hội đầu tư trong giai đoạn COVID, mất mát về thời gian cơ hội vì trong giai đoạn COVID dừng việc tìm kiếm cơ hội M&A ở nước ngoài. Ba là, ở Nhật, nhà đầu tư có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ. Và yếu tố nữa, lượng tiền gửi, tiền mặt của các nhà đầu tư Nhật lên tới 2.200 tỷ USD tích lũy qua 20 năm, trong khi lợi tức đầu tư trong nước thấp.
Ông Masataka Sam Yoshida đánh giá, Việt Nam là điểm hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản vì đang trong thời kỳ dân số trẻ. Độ tuổi trung bình Nhật Bản và Việt Nam chênh nhau 17 tuổi, tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng nhanh, đặc biệt Việt Nam là quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
“Điều này khiến các công ty Nhật Bản nhìn về điểm tích cực, xác định đầu tư, tin tưởng tương lai. Khi các nhà đầu tư thoái vốn khỏi Việt Nam, thì nhà đầu tư Nhật Bản sẽ bước vào, nhưng vẫn còn những theo dõi, nghiên cứu thêm thị trường, tìm kiếm lại các cơ hội. Thường các dự án nghiên cứu thị trường chuẩn bị cho đầu tư phải mất 6 tháng. Tôi cho rằng sau Tết có nhiều nhà đầu tư Nhật tìm đến Việt Nam”, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam dự tính.
Vị này chia sẻ thêm, với việc bay giữa Nhật Bản và Việt Nam thường xuyên, ông thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đã quay trở lại Việt Nam nhiều hơn. Cụ thể, sau tháng 6, ông có sang Việt Nam và thấy gia tăng số lượng doanh nhân từ Nhật Bản vào Việt Nam, có nghĩa số lượng các doanh nghiệp đang tăng lên.
Theo các con số thống kê, đã có 60 giao dịch M&A giữa các nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam trong khoảng hai năm gần đây. Việt Nam vẫn là thị trường có nhiều thương vụ M&A với Nhật Bản nhất.
Nhận định về lĩnh vực nào hấp dẫn các công ty Nhật Bản, theo Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, lĩnh vực thương mại, IT, công nghệ số và bất động sản đã là lĩnh vực các nhà đầu tư Nhật quan tâm. Nhưng trong những năm tới, có 5 ngành hấp dẫn nhà đầu tư Nhật.
“Một là thực phẩm, chế biến thực phẩm. Hai là công nghệ thông tin, công nghệ số đang bùng nổ. Ba là ngành bán lẻ. Bốn là năng lượng. Năm là tài chính tiêu dùng. Đặc biệt, các nhà đầu tư Nhật quan tâm tới các startup trong bất kỳ ngành nào”, chuyên gia này nêu.